Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) về vấn đề này.
Việc xây mới, cải tạo trường học diễn ra không đồng đều
Thưa bà, các cụm từ “thiếu trường, thiếu lớp” hay “quá tải lớp học” đã quá quen thuộc với người dân và phụ huynh ở các TP lớn, trong đó có Hà Nội. Đây có phải là hiện tượng cá biệt chỉ ở Hà Nội hay ở Việt Nam không?
- Trong quá trình phát triển của các đô thị lớn luôn có tình trạng các dịch vụ an sinh trong tình trạng quá tải và đây không phải là tình trạng cá biệt chỉ ở Hà Nội hay Việt Nam.
Tại Hà Nội nói riêng nhiều năm qua luôn đối mặt tình trạng quá tải, thiếu cục bộ chỗ học ở một số khu vực đông dân cư hoặc phát triển quá nóng. Việc này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới vì Hà Nội vẫn được đánh giá là một đô thị phát triển mạnh, thu hút lực lượng lao động trẻ, lao động chất lượng cao dẫn tới nhu cầu đi học của học sinh khối phổ thông và khối nghề nghiệp vẫn là nhu cầu lớn trong thời gian tới.
Bà đánh giá ra sao về những nỗ lực của Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng này?
- Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học; mỗi năm, trung bình Hà Nội tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi TP cần chỉ đạo, triển khai xây dựng từ 30 - 40 trường học (cả trường công lập và ngoài công lập) mới đáp ứng được nhu cầu. Thời gian qua, Hà Nội đã làm rất tốt, rất tích cực trong giải quyết tình trạng thiếu trường lớp bằng việc cải tạo và xây mới trường học.
Tuy nhiên, công tác này diễn ra không đồng đều trên địa bàn các quận, huyện do phụ thuộc quy hoạch chung của TP và việc phân cấp quản lý đối với từng cấp học. Các đơn vị đã làm tốt nội dung xây mới, cải tạo trường, lớp là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên … Ngược lại, có nhiều đơn vị chưa giải quyết được như mong muốn nên dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ.
Việc phân bố dân cư chênh lệch giữa các khu vực dân cư dẫn đến hiện tượng có nơi thừa nhưng có nơi lại thiếu phòng học/trường học. Diện tích xây dựng theo chuẩn ở một số khu vực nội đô không bảo đảm cho việc xây mới, …
Vì vậy cần điều chỉnh nhận thức để giảm khó khăn, cho phép những tiêu chuẩn về diện tích, về số tầng… cho phù hợp. Hơn nữa, cũng có thực trạng thiếu học sinh ở nơi này, thừa trường học ở nơi khác do có sự chênh lệch rất nhiều về chất lượng giáo dục. Thực tế đang có một lượng không nhỏ học sinh tập trung đến những trường có chất lượng nổi trội dù trường ở xa nơi ở, không nằm trong phân tuyến giáo dục.
Linh hoạt các mô hình
Hà Nội luôn xác định khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ, giảm tải sĩ số học sinh/lớp là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết. Ngoài nhiều giải pháp đã được đưa ra, theo bà cần thêm chính sách gì?
- Tôi rất đồng tình với một số đề xuất của Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp. Tuy nhiên, tình trạng này không thể ứng phó hoặc giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần phải có chiến lược; đồng thời linh hoạt các mô hình khác nhau để bảo đảm giải pháp mang tính chất ngắn hạn và dài hạn.
Về dài hạn, bài học đưa ra là có thể trong thời điểm này là nóng nhưng sau 5 năm hay 10 năm không phải như vậy nữa. Nhiều quốc gia phát triển đã phải đối mặt với tính trạng này. Chính vì vậy, tiêu chuẩn đáp ứng số lượng, chất lượng một cách cụ thể với từng khu vực phải được xem xét và không thể đánh đồng như nhau ở mọi lúc, mọi nơi.
Tôi lấy ví dụ, khu vực rất nóng như Hoàng Mai, việc cải tạo, xây mới trường lớp là giải pháp tốt nhưng kèm đó cần giải pháp tạm thời vì tình trạng thiếu trường, lớp không thể chỉ 2 - 3 năm là giải quyết được. Cần nghiên cứu, xem xét, đưa vào sử dụng các địa điểm có thể trở thành nơi diễn ra hoạt động học tập; phải thực hiện mô hình hỗ trợ hoạt động giáo dục mang tính liên hợp chứ không nhất thiết đầu tư bằng được để xây dựng trường to, đẹp, công suất lớn.
Thực trạng của Hà Nội là quy mô dân số quá lớn (dân số nén) dẫn đến trường học nén. Một số lượng trường học rất lớn của Hà Nội có tổng học sinh từ 2.000 - 4.000 em.
Đây là hiện tượng tiềm ẩn sự bất ổn cho quản trị và quan tâm phát triển chất lượng giáo dục. Số lượng học sinh/trường; sĩ số học sinh/lớp lớn sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo đảm chất lượng; vì vậy cần tính đến việc ở nơi nào có dân số nén thì tách trường, tăng số lượng trường để giảm áp lực đối với lớp học và trường học.
Do đó, cần có đối sách liên quan tiêu chuẩn, tiêu chí riêng cho những địa bàn đặc thù. Trong các trường học ở khu đô thị lớn thì ngoài tuân thủ tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng quốc gia cũng cần có những tiêu chí đặc thù để giúp linh hoạt, đáp ứng yêu cầu riêng của địa phương. Ở đây chúng ta không nói đến tiêu chuẩn chất lượng cao hơn hay thấp hơn chuẩn chung, mà đó là tiêu chí đặc thù để giải quyết nhu cầu đặc biệt.
Chúng ta quá quen thuộc với khái niệm trường chuẩn quốc gia, nhưng quên mất vai trò quan trọng của bối cảnh địa phương. Các nơi có tính chất đặc thù, nên nghiên cứu để đưa thêm các tiêu chuẩn đặc thù, vì một nguyên tắc, giáo dục phải phù hợp với kinh tế - xã hội, với nhu cầu của người dân. Bối cảnh đặc thù dẫn đến nhu cầu giáo dục khác với nhu cầu chung. Ở khu đô thị lớn cần có tiêu chuẩn cao hơn về số lượng giáo viên, hệ thống chức năng trong trường học, phát sinh thêm vị tri việc làm…
Các trường ở vùng nông thôn, khó khăn cũng cần có những tiêu chí mới để dù ở đâu, cũng có thể thực hiện được chức năng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Số lượng giáo viên, kế hoạch giáo dục, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất của trường học… cũng cần được xem xét để có tiêu chí đặc thù hơn.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Ví dụ, với số lượng học sinh lớn, các em có không gian sống chưa hài hòa, chưa có điều kiện để phát triển toàn diện như giao tiếp thiên nhiên, không gian vui chơi, áp lực yếu tố đô thị lên sớm…, nên chương trình giáo dục phải thay đổi, vị trí công việc, tính chất công việc có thể thay đổi. Hiện nhiều đô thị trên thế giới đã xem xét vấn đề này nhưng ở Việt Nam thì chưa được chú trọng.
Việc phát triển mạng lưới trường, lớp không chỉ xem xét cơ sở vật chất của một trường mà còn nghiên cứu cả cấu trúc của trường học đó xét theo nghĩa đáp ứng nhu cầu nội tại rất đặc thù của các trường học nội đô với sự phát triển dân số của khu vực lân cận để giáo dục mang sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu cấp thiết của người dân.
Phụ huynh cho rằng, trong khi họ cần có thêm trường công lập để đủ chỗ học thì Hà Nội lại phát triển nhiều trường dân lập. Chỉ tiêu lớp 10 trường công lập ít dẫn đến kỳ thi lớp 10 ngày càng nóng hơn, quan điểm của bà như thế nào?
- Phân luồng giáo dục là một yêu cầu bắt buộc cho chúng ta, vì liên quan rất lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Bài học ở các quốc gia phát triển các khu đô thị là sự phân hóa trong nhu cầu về giáo dục rất lớn cho nên mới sinh ra các mô hình trường khác nhau để đáp ứng điều đó. Đây là sự phát triển.
Ở Hà Nội, đang thống nhất một chính sách khá tốt, đó là đối với cấp học mang tính chất phổ cập, chỉ được phát triển hệ thống trường chất lượng cao và các loại hình khác nếu mô hình công lập đã đáp ứng được nhu cầu.
Nhu cầu học tập THPT công lập là chính đáng, nhưng chúng ta cần thay đổi, hãy nhìn nhận việc học ở lứa tuổi này cần thiết cho sự sẵn sàng trong cuộc sống, trong tương lai của mỗi người, của xã hội. Do đó, cần quan tâm đến thực thi chất lượng giáo dục để bảo đảm sự công bằng, đồng đều của các trường trong khu vực, linh hoạt đáp ứng với nhu cầu đặc thù của địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn bà!