Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Loay hoay bài toán chất thải sinh hoạt

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp rác, hạn chế những hệ lụy phát sinh… TP Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng hệ thống Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn)… Tuy nhiên, dù vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự án này đã nhận được không ít cảnh báo từ các chuyên gia.

Công nghệ đốt rác phát điện: Cũ người, mới ta
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2019 về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ TN&MT vừa công bố, năm 2019, trung bình một ngày Việt Nam phát sinh 64.658 tấn rác thải, trong đó, tại khu vực đô thị lượng rác phát sinh là 35.624 tấn/ngày, tăng 46% so với năm 2010. Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ TN&MT, chỉ tính riêng 2 đô thị nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh tới 12.000 tấn/ngày, chiếm 33,6% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên cả nước. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại 5 đô thị đặc biệt/loại 1 là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ chiếm khoảng 40% tổng lượng CTRSH phát sinh từ tất cả các đô thị trong cả nước.
 Thu gom rác thải sinh hoạt trên phố Tràng Thi. Ảnh: Phạm Hùng
Trước thực trạng trên, thời gian vừa qua, công tác quản lý CTRSH đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi cần những giải pháp hữu hiệu để quản lý CTRSH và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước. Theo Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức Mai Huy Tân, tình trạng ô nhiễm rác thải ở Việt Nam ngày càng trở lên nghiêm trọng.
Hiện trung bình mỗi người dân Việt Nam thải ra môi trường gần 0,9kg rác thải sinh hoạt. Trong đó, 50% rác thải được chôn lấp nhưng không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường; 24,5% rác thải được chôn lấp hợp vệ sinh (vẫn còn ô nhiễm); 24% lượng rác thải phát sinh không được xử lý, gây ô nhiễm không được xử lý; 1% lượng rác phát sinh được xử lý bằng phương pháp đốt nhưng không phát điện gây ô nhiễm không khí do khói bụi và khí độc; 0,5% lượng rác phát sinh được xử lý làm nguyên liệu phát điện.

Đề cập đến biện pháp xử lý rác thải bằng phương pháp đốt rác phát điện, nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể là công nghệ mới ở Việt Nam, nhưng đã là công nghệ lạc hậu, không được ưa chuộng sử dụng ở một số nước phát triển trên Thế giới. Theo lý giải của GS.TS Hoàng Xuân Cơ – nguyên giảng viên Khoa Môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết, theo quy định, lò đốt rác bao giờ cũng phải có 2 khoang, trong đó 1 khoang xử lý rác hữu cơ, nhiệt độ khoảng 800 độ C, khoang còn lại nhiệt độ phải tối thiểu 1.200 độ C mới bảo đảm xử lý được các loại hóa chất có thể phát sinh. Nhưng hiện nay, theo khảo sát, nhiều khoang không đáp ứng được nhiệt độ đốt rác theo quy định… Điều này khiến lượng hóa chất phát sinh không được xử lý hết, trong đó có những chất như dioxin, furan – chất có khả năng gây ra ung thư cho con người.

Cần có sự thay đổi đồng bộ

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như thế giới đang tồn tại 5 phương pháp xử lý CTRSH gồm: Chôn lấp hợp vệ sinh, đốt thiêu hủy, đốt phát điện, khí hóa nhiệt độ thấp và khí hóa Plasma. Theo các chuyên gia, trước tình trạng lượng rác thải tăng lên hàng ngày, hàng giờ, việc lựa chọn phương pháp nào nhằm đem lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thực tế là không đơn giản. Dẫn chứng về việc này, một chuyên gia nêu ví dụ, hiện nay, công nghệ xử lý CTRSH bằng công nghệ khí hóa đang được cho là biện pháp hữu hiệu nhằm xử lý rác thải khi không cần phải phân loại từ đầu nguồn, không phải duy trì nhiệt độ trong lò đốt ở mức cố định, không phát sinh dioxin, furan, nước thải… Tuy nhiên, để đánh giá công nghệ này hay hơn các công nghệ khác là không cần có sự tính toán kỹ lưỡng, công bằng.

Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia khẳng định, hiện nay, mô hình xử lý CTRSH bằng công nghệ khí hóa đang được thực hiện tại Hưng Yên và đem lại hiệu quả khả quan. Song, dây truyền này mới chỉ đủ khả năng tiếp nhận và xử lý 100 tấn rác thải/ngày. Trong khi đó, các công nghệ khác có khả năng xử lý lên đến hàng ngàn tấn/ngày, nên rất khó để đánh giá được rằng, biện pháp này hay hơn biện pháp kia và ngược lại. Từ đó, nhiều chuyên gia khẳng định, cần phải đưa thêm tiêu chí tác động ô nhiễm trên một khối lượng rác thải nhất định để đánh giá hiệu quả của các công nghệ xử lý rác thải.

Đồng quan điểm trên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Vẻ cho rằng, để tăng cường hiệu quả quản lý CTRSH, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường và hoàn thiện thống nhất bộ máy quản lý Nhà nước về BVMT và CTRSH. Trong đó, cần sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo sự thống nhất giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và CTRSH. Đồng thời, thực hiện nghiêm yêu cầu, nhiệm vụ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải lồng ghép với công tác bảo vệ môi trường và quản lý CTRSH ngành, địa phương; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với những dự án đầu tư cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng sản phẩm một lần, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường…

Cùng với đó, các quan chức năng cần đẩy mạnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, nâng cao năng lực thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế việc chôn lấp. Có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ các DN đầu tư hệ thống xử lý CTRSH; Hướng dẫn, công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục máy, thiết bị, công nghệ tái chế, xử lý CTRSH, nhất là công nghệ, dây truyền lò đốt rác thải để các địa phương, DN ứng dụng, thực hiện…

Các địa phương có khối lượng chất thải rắn phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát sinh trên 6.000 tấn/ngày). Trong đó, khối lượng CTRSH tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao và du lịch như TP Hồ Chí Minh (9.400 tấn/ ngày), Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.175 tấn/ngày), Hải Phòng (1.982 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày), Đồng Nai (1.885 tấn/ngày)...