Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thời gian qua, Hà Nội cũng ban hành và triển khai hàng loạt giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giúp doanh nghiệp (DN) ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Gần 90% DN chịu ảnh hưởng bởi Covid-19
Đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến DN Việt Nam. Theo khảo sát, 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% DN cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và chỉ gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Khách hàng tham quan mô hình nhà thông minh Lumi.

Khảo sát của VCCI cho thấy, tác động của dịch Covid-19 với DN ở một số ngành đặc biệt lớn. Những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần phải kể đến du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục - đào tạo…
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. 
Các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít DN gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều DN cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán…
Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT), Ủy viên Ban Chấp hành Hanoisme cho biết: Tính đến hết tháng 4/2021, số DN trên địa bàn Hà Nội là 8.680 DN, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số DN rút khỏi thị trường và giải thể tăng lên. Cụ thể, số DN giải thể là 1.145 DN (tăng 42% so với cùng kỳ năm trước), số DN tạm lùi tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới các DN. Năm nay được nhận định là năm tiếp tục khó khăn của DN.
“Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, theo tôi phần lớn các DN hiện nay đều mong muốn Chính phủ kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ổn định kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực DN nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội” - ông Quân nêu ý kiến.
Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT), Ủy viên Ban Chấp hành Hanoisme.
Nhiều giải pháp đột phá
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội chia sẻ thêm, để hỗ trợ DN vượt qua những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các DN, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng… Tuy nhiên, phần lớn các chính sách chưa thực sự hiệu quả, các DN kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các DN khởi nghiệp.
Về phía TP, trong năm 2020, TP đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể như: Bổ sung kinh phí từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh và duy trì trật tự an toàn xã hội; HĐND TP đã kịp thời ban hành 05 Nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn TP; rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các DN trên địa bàn.
Triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2021, TP tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và DN tối đa.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: Hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - DN. Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.
Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh: thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: Máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;…theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.
Về phía Trung tâm, mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp triển khai các gói hỗ trợ DN theo tinh thần tại các Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 84/NQ-CP. Tuy nhiên, trong năm 2020, Trung tâm đã tham mưu xây dựng và tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ DN được ban hành tại các Đề án: Hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh; phối hợp với các đơn vị trong Sở nghiên cứu các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị và khởi sự kinh doanh cho DN, góp phần nâng cao năng lực cho DN đủ sức chống chọi với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các chính sách hỗ trợ DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của TP đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.