Hà Nội luôn mở rộng cửa đón nhận người tài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội, sáng 2/7, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng (ảnh dưới) đã có cuộc trao đổi với báo chí về chính sách trọng dụng nhân tài theo Luật Thủ đô.

Hà Nội luôn mở rộng cửa đón nhận người tài - Ảnh 1
Những năm qua, mặc dù Hà Nội đã ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nhưng tại sao kết quả còn hạn chế. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

- Trong 10 năm qua, các trường đại học trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.000 thủ khoa, trong đó có 103 thủ khoa (chiếm 1/10) được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan thuộc TP, tỷ lệ này còn khiêm tốn. Các đối tượng tuyển dụng đều được bố trí nơi làm việc phù hợp. Phần lớn họ phát huy tốt khả năng, làm việc đạt hiệu quả, trong số đó nhiều người trưởng thành được tuyển chọn và trở thành những công chức, viên chức có người được bổ nhiệm cương vị lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên…

Tuy nhiên, trong thực tế, cụ thể là tại một số cơ quan, đơn vị, không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu công việc, dù kết quả học tập ở trường đạt tốt. Mỗi cá nhân đều có "sở trường, sở đoản" riêng. Có những người không thích ứng với công việc ở cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng lại rất thích hợp với môi trường nghiên cứu. Vì vậy, sau khi tuyển dụng, một mặt, cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho họ thể hiện, công hiến phát triển…  Bản thân cá nhân người đó cũng phải nỗ lực hoàn thiện những phần mình còn thiếu, mà ở trường cũng không đào tạo, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nơi mình làm việc. Thực tế, số thủ khoa về Hà Nội không làm được việc chỉ là cá biệt. Trong số những thủ khoa tuyển dụng, đến nay đã có 37 người  trở thành cán bộ, công chức và được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo... Hơn nữa, Hà Nội là nơi có nhiều cơ quan trong và ngoài nước cũng có nhu cầu tuyển dụng những người có khả năng làm việc ở những lĩnh vực họ cần, với mức đãi ngộ hấp dẫn… Trong khi chính sách đãi ngộ của TP cũng phải theo khung luật định, có hạn chế, nên cũng có người tìm đến đó làm việc… là có.

Với chính sách trọng dụng nhân tài theo Luật Thủ đô, liệu có khắc phục được những bó buộc trên, thưa ông? 

- Mỗi chính sách ra đời đều có tác dụng mới. Hy vọng các Nghị quyết mà HĐND TP sắp tới thông qua để thể chế hóa Luật Thủ đô sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trước đây. Tất nhiên đây là việc khó, nhưng chúng ta không cầu toàn, quá trình thực hiện vừa làm, vừa điều chỉnh bổ sung để làm sao đáp ứng được mục tiêu lớn nhất của chính sách là thu hút và trọng dụng được người tài, có khả năng cống hiến thực sự đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. 

Hiện một số địa phương đang có chính sách trọng dụng những người trẻ, bổ nhiệm người trẻ vào các vị trí lãnh đạo. Theo ông, Hà Nội nên có chính sách gì để tạo cơ hội cho những cán bộ trẻ như vậy?

- Hà Nội là trong những địa phương thực hiện khá sớm thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo.  Đó là năm 2010, đã thực hiện đối với Sở QH - KT… Đây là vấn đề khó, có nhiều nội dung cần nhiều cấp nghiên cứu. Trong chương trình "Đổi mới công tác quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ" của Thành ủy đã giao cho các cơ quan liên quan, như Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ…, nghiên cứu để tiếp tục thực hiện nội dung này. Trong đề án, Chương trình 01 đã có nội dung đó. Công việc này sẽ được tiến hành trong những năm tới.

Một số địa phương quy định, không tuyển dụng người học đại học ngoài công lập, học tại chức… Đối với TP Hà Nội, điều kiện này có hay không?

- Đến thời điểm này, TP Hà Nội chưa có văn bản nào quy định như vậy. Trong đề án xây dựng và Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách trọng dụng nhân tài theo Luật Thủ đô cũng không có quy định nào như vậy. Chủ trương của TP Hà Nội không "đóng cửa" đối với tài năng, mà ngược lại luôn mở rộng cửa đón nhận những người tài, thực sự có tâm huyết, mong muốn được cống hiến, đóng góp sức mình xây dựng Thủ đô. 

Xin cảm ơn ông!
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần