Đóng góp lớn vào thành công GPMB Dự án Vành đai 4
Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, qua 7 quận, huyện; cần di dời 11.682 ngôi mộ, diện tích đất rất lớn. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường cho hay, xác định GPMB và tái định cư (TCĐ) là công việc khó, cán bộ Mặt trận các cấp TP đã tích cực cùng chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân diện GPMB đồng thuận thực hiện, phấn đấu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Từ khi bắt đầu triển khai GPMB, cuối tháng 1/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã ban hành Thông tri số 04/TT-MTTQ-BTT về “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ các cấp TP Hà Nội tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội”.
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xây dựng kế hoạch giám sát năm 2023 có nội dung giám sát kết quả, tiến độ thực hiện Dự án; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện Dự án để không phát sinh điểm nóng... Cùng đó, tổ chức giao ban dư luận xã hội hằng tháng, trong đó có nội dung Dự án Vành đai 4, để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền, định hướng dư luận xã hội.
Từ quyết tâm của MTTQ TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện có dự án đi qua (Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín) đã hướng dẫn Ban Thanh tra Nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) các địa phương có Dự án xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giám sát việc thực hiện các quy định về bồi thường GPMB, TĐC phục vụ Dự án; phối hợp chặt chẽ các tổ chức thành viên và UBND quận, huyện tích cực thực hiện giám sát, tiếp dân, giải quyết kiến nghị của Nhân dân.
MTTQ các quận, huyện chú trọng tuyên truyền bằng hình thức phong phú tới đoàn viên, hội viên, Nhân dân về ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tính cấp bách của Dự án và nội dung Luật Đất đai liên quan thu hồi, GPMB. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp tham gia BCĐ triển khai Dự án và Tổ công tác tuyên truyền; phối hợp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, TĐC huyện và BCĐ xã, phường tổ chức trực tiếp tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, quy định của TP và kế hoạch của quận, huyện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC, di chuyển mộ, GPMB thực hiện Dự án...
Tiêu biểu tại quận Hà Đông, Dự án có chiều dài 5,5km, phải GPMB 68,34ha qua 4 phường với tổng số 1.806 hộ bị thu hồi đất, 1.582 ngôi mộ phải di dời. Ngay sau khi được TP giao nhiệm vụ GPMB, các cấp ủy đảng, chính quyền quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm kế hoạch đề ra. Đến nay, quận đã thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với 66,7ha đất của 1.665 tổ chức, hộ gia đình, với tổng số tiền 778,05 tỷ đồng, đạt 97,6%; đã chỉ đạo di chuyển được 1.562 ngôi mộ và tiểu phát sinh...
Đặc biệt, ngay sau khi Dự án được triển khai, người dân rất quan tâm khung giá đền bù, hỗ trợ, nhất là với đất ở, TĐC; qua nắm bắt dư luận cho thấy đa số hộ không nhất trí với vị trí TĐC tại nơi mới. Vì vậy, Quận ủy, UBND quận đã báo cáo, xin chủ trương TP bố trí đất TĐC gần Hà Đông nhất và xem xét giá đất để bảo đảm ổn định của người dân. Đến nay, đa số hộ đã đồng thuận, chờ UBND TP chấp thuận cho quận được bố trí TĐC bằng đất tại huyện Thanh Oai cho các trường hợp đủ điều kiện theo quy định.
Có được những kết quả đó, theo lãnh đạo quận, không thể thiếu vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên. Bao gồm cả vận động cá biệt với những cá nhân, tổ chức diện thu hồi đất, MTTQ quận và các tổ chức thành viên đã chủ động tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân hiểu được tầm quan trọng, đồng thuận với chủ trương thực hiện Dự án; chỉ đạo MTTQ và các tổ chức CT-XH của 4 phường tuyên truyền chủ trương chính sách GPMB, bảo đảm tối đa quyền lợi hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù Dự án.
Đáng chú ý, số mộ phải di chuyển để thực hiện Dự án tại quận tương đối lớn, chủ yếu ở Tổ dân phố 5, 6 phường Yên Nghĩa, thời gian đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nên quận đã tiếp tục xin chủ trương, tiến hành mở rộng cải tạo nghĩa trang Tổ dân phố 9 (phường Yên Nghĩa). Quận phải làm thêm một bước GPMB, chi trả đền bù cho toàn bộ hộ dân trong tháng 12/2022, để kịp thời gian hoàn thiện thủ tục xin giao đất, bảo đảm tiến độ Dự án.
Trước những thách thức đó, MTTQ và các tổ chức thành viên từ quận tới cơ sở đã quyết tâm vận động từng gia đình, dòng họ đồng thuận với việc triển khai Dự án; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; hỗ trợ các gia đình cả về tâm linh và bố trí nhân lực di chuyển mộ. MTTQ và các tổ chức thành viên cũng phối hợp Đảng ủy, UBND phường Yên Nghĩa đẩy mạnh tuyên truyền vận động các gia đình có mộ phải di chuyển; thường xuyên nắm tình hình Nhân dân, dự báo và kịp thời báo cáo các cấp, ngành tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm lợi ích tối đa của người dân sau thu hồi đất.
Còn theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân, từ khi Dự án được triển khai, Thường trực MTTQ 5 xã của huyện có diện tích đất thu hồi luôn tham dự các buổi họp dân, kịp thời nắm bắt tâm tư người dân; kết hợp đối thoại, tuyên truyền đến Nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của Dự án… Kết quả, người dân đã ủng hộ chủ trương chung; 100% ngôi mộ nằm trong Dự án được di chuyển về nghĩa trang quy hoạch xong trước Tết Quý Mão 2023; công tác quy chủ, kiểm đếm, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp diễn ra thuận lợi; kiến nghị của người dân được các tổ công tác giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Tương tự, tại huyện Hoài Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Khai Đỗ Đức Hợi chia sẻ, GPMB Dự án đường Vành đai 4 đi qua xã liên quan 152 hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt qua Nghĩa trang Nhân dân Ụ Pháo với diện tích 3.915m2, cần di chuyển 303 ngôi mộ. Xác định di chuyển mộ là nhiệm vụ khó trong GPMB, MTTQ xã đã thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận Nhân dân, cùng các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân. Với sự vào cuộc đồng bộ, chỉ trong thời gian ngắn, xã đã hoàn thành di chuyển được các ngôi mộ và chi trả kinh phí bồi thường hỗ trợ cho 100% hộ dân có đất trong phạm vi thu hồi, với tổng diện tích 47.595,7m2.
Kịp thời lắng nghe, tạo đồng thuận cao trong Nhân dân
Thời gian qua, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN luôn được cấp ủy, chính quyền nhiều quận, huyện tập trung lãnh đạo chỉ đạo với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, trong đó có sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức CT-XH và các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, MTTQ và tổ chức thành viên luôn phát huy vai trò chủ động, tham mưu cấp ủy triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng nắm bắt phản ánh tình hình Nhân dân, định hướng dư luận xã hội theo hướng ngày càng thực chất, có chiều sâu, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dễ phát sinh khiếu kiện, tạo thành điểm nóng trên địa bàn, trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án.
Điển hình tại huyện Sóc Sơn, từ năm 2020 đến nay triển khai 236 dự án, với tổng diện tích GPMB 632ha, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ 3.121 tỷ đồng; phải bố trí TĐC cho 167 hộ gia đình với 29.372,9m2. Trong đó, các dự án trọng điểm của TP phải kể đến: dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn từ 0-500, dự án Đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, dự án Đường cao tốc 3B Hà Nội-Thái Nguyên, dự án cao tốc Nhật Tân-Nội Bài, dự án Đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc đẩy nhanh tiến độ tạo quỹ đất sạch để thực hiện những dự án đầu tư được tiến hành một cách công khai, kịp thời, đúng trình tự theo quy định pháp luật.
Để có được kết quả trên, theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn, một trong những nguyên nhân quan trọng là tại mỗi dự án, trong quá trình kiểm đếm, đền bù, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH từ huyện đến cơ sở luôn lắng nghe nắm bắt những vướng mắc, kịp thời tổ chức đối thoại trực tiếp để bàn bạcthống nhất giải quyết những phát sinh, tạo đồng thuận cao trong Nhân dân.
Một kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù, GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn huyện thời gian qua chính là sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu ý nghĩa của việc thực hiện dự án và các chế độ chính sách của Nhà nước, bảo đảm minh bạch trong thu hồi đất.
Trong đó, MTTQ huyện, xã và các đoàn thể CT-XH đã tích cực vào cuộc tuyên truyền vận động để thực hiện có hiệu quả chủ trương GPMB; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Các cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể CT-XH huyện xây dựng kế hoạch vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác GPMB góp phần tham gia phát triển KT-XH, bảo đảm ANCT-TTATXH; tăng cường mạnh mẽ việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án phát triển KT-XH tại địa phương.
Huyện cũng quan tâm tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan lĩnh vực giám sát, hòa giải, đất đai, môi trường... cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trong công tác này.
“Khi thực hiện GPMB Dự án Vành đai 4- Vùng thủ đô, việc vận động Nhân dân di dời mộ, công trình tâm linh là hết sức khó khăn, nhất là di chuyên mộ tổ, quần thể mộ dòng tộc, chi tộc, gia đình và những ngôi mộ chưa đủ thời gian sang cát theo phong tục truyền thống. Để thực hiện được, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để người dân hiểu. Mặt trận có thành viên là các tổ chức tôn giáo. Các chức sắc, chức việc đã phát huy vai trò, uy tín trong việc tuyên truyền vận động để nhiều gia đình đồng thuận với chính sách của TP; hỗ trợ các gia đình thực hiện nghi lễ khi di chuyển mộ, giúp người dân an tâm. Đến cuối tháng 6/2024, các quận, huyện có dự án đi qua đã di chuyển được 10.104/10.346 ngôi mộ, đạt khoảng 98%- kết quả có đóng góp quan trọng của MTTQ cơ sở.
Song song với tuyên truyền vận động GPMB, công tác giám sát càng được MTTQ TP được chú trọng. Từ tháng 2/2023, MTTQ TP đã ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC, GPMB với các hình thức: thành lập đoàn giám sát trực tiếp tại các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua; giám sát qua báo cáo thường xuyên của quận, huyện; giám sát qua hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ; giám sát tham gia giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Để Dự án hoàn thành mục tiêu, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã yêu cầu MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên ở 7 quận, huyện tăng cường giám sát kết quả, tiến độ thực hiện Dự án bảo đảm công khai minh bạch, đúng người, đúng đối tượng và bảo đảm tối đa quyền lợi hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của Dự án...”- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan hương.