Mai này có một con đường Hà Nội nào đó mang tên nhạc sĩ Hồng Đăng, ở đó sẽ được trồng hoa sữa, loài hoa mà bằng một ca khúc ông đã dành tặng cho Hà Nội như một biểu tượng nghệ thuật.
1. Qua một vài người mách bảo rằng nhạc sĩ Hồng Đăng rất giỏi tử vi, tôi lần đầu tiên gọi điện cho ông hẹn đến nhà là với lý do rất “thực dụng” này. Khi ấy, vào lúc còn trẻ tuổi, không hiểu sao người ta thường rất hoang mang về chính mình. Và thế là hay đi xem tử vi bói toán. Như một thứ niềm tin bấu víu vào để dễ hình dung về tương lai.
Trước khi gặp nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi đã xem tử vi ở nhà văn Hà Ân, một người cũng được coi là một “đại cao thủ”. Và thật bất ngờ khi ông Hồng Đăng dựa vào vài dấu mốc trong đời, đã đoán giờ sinh của tôi khác với ông Hà Ân. Đại loại một người bảo phải sinh giờ này vì nếu giờ kia thì người phải xinh đẹp lắm, chứ không thế này. Người kia bảo giờ này đúng rồi, vì có phải ai sinh giờ ấy cũng thành hoa hậu cả đâu…
Nhưng mà chỉ sau lần gặp đầu tiên, vài hôm sau chú Hồng Đăng mang đến toà soạn cho tôi cuốn “Mật mã Da Vinci” và nói chuyện một buổi, thì tôi hiểu rằng thôi không phải xem tử vi nữa. Ông đem đến sự lạc quan và lịch duyệt của một người từng trải, để người nghe hiểu rằng đến ngay như ông, thạo tử vi tướng số, chính là để sống an nhiên giữa cuộc đời, không phải để phó mặc mình cho số phận.
Có rất nhiều người yêu qúy nhạc sĩ Hồng Đăng. Điều này không có gì khó lý giải với một người tài hoa và hào hoa hiếm có như ông. Nhìn cách ông tỏ ra đầy lịch lãm dù khi tuổi đã cao, ai cũng đinh ninh rằng người sáng tác bài Hoa sữa như một biểu tượng nghệ thuật sừng sững của Hà Nội chắc hẳn là một người Hà Nội. Mặc dù sự thật ông quê Hà Tĩnh. Trong những bữa cơm tại nhà riêng thân mật giữa những bạn bè, chị Thuý vợ ông vẫn cười đùa đem các giai thoại yêu đương của ông Hồng Đăng ra kể chuyện. Kể cả việc mình yêu và lấy ông Đăng, với chị Thuý, cũng được kể nhẹ nhõm như là cuộc đời vốn thế, bên ông Hồng Đăng như là đương nhiên có người vợ xinh đẹp tảo tần, chăm nom ông tận tình đến phút cuối cùng.
Nhưng mà ai ngồi nghe kể cũng hiểu rằng cuộc đời ông Hồng Đăng hào hoa lịch lãm dù có nhiều giai thoại đến đâu thì niềm hạnh phúc, hay diễm phúc lớn của cuộc đời ông là có chị Thúy bên cạnh, yêu ông bằng tình yêu vừa bao dung vừa lớn lao. Chị Thuý hàng chục năm cuối đời của ông đã chở ông trên một chiếc xe máy, đi đến những cuộc gặp gỡ với bạn bè của nhạc sĩ, đến lúc ông không còn ngồi xe được nữa, thì tổ chức những bữa cơm giản dị tại nhà, để bạn bè đến ăn cho ông vui.
Vào lúc nghe tin nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời, trong lòng tôi bỗng nhiên nghĩ rằng chắc chị Thuý đang khóc, còn ông Hồng Đăng thì cười, một nụ cười thanh thản sau một cuộc đời hạnh phúc.
2. Nói gì về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng chắc không cần nữa rồi. Những ngày này người ta đang nói nhiều về ông, bao nhiêu ca khúc còn nguyên đấy, trong lòng công chúng: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa, Đường về hoàng hôn, Biển hát chiều nay, Lênh đênh, Con nhện bắc cầu qua hai nỗi nhớ... Nhạc phim, khí nhạc đều minh chứng về một nhạc sĩ tài năng hiếm có. Giai điệu vừa thanh cao vừa hồn hậu. Ca từ vừa trong sáng vừa sâu sắc. Và một Hồng Đăng 2 nhiệm kỳ Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc ở vào cái thời văn nghệ còn được vô cùng trọng vọng. Ở sân 51 Trần Hưng Đạo có một ông Hồng Đăng lịch lãm trí tuệ hiếm có mà cũng gần gũi hồn nhiên hiếm có.
Có bao nhiêu người từng thổn thức mê Hoa sữa của Hồng Đăng. Sau này, Hà Nội trồng nhiều hoa sữa, một vài đô thị trồng nhiều hoa sữa quá dẫn đến “bội thực” mùi thơm, và người ta không còn thần thánh hoá hoa sữa như một hình ảnh nghệ thuật nữa. Nhưng với những ai đã từng có ký ức về Hà Nội nhiều thập kỷ trước, khi mỗi mùa hoa sữa ngọt vô cùng trên vòm trời đêm dọc Nguyễn Du, dọc Trần Hưng Đạo, dọc những con đường Hà Nội sau một buổi đi xem ca nhạc ở Cung Hữu nghị hay ở Nhà hát Lớn thì âm nhạc Hồng Đăng mới thấm đẫm làm sao. Những đêm hoa sữa cực kỳ Hà Nội ấy mà Hồng Đăng như tạc cho Hà Nội một tuyệt tác nghệ thuật không rõ hình hài nhưng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Hồng Đăng trở thành một phần của Hà Nội, ngay cả khi ông khiêm nhường sống trong một căn nhà ngoài đê chỗ bến Hồng Hà.
Hà Nội mùa này không có hoa sữa tiễn ông, nhưng trong ký ức bạn bè, người thân không quên hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa, nụ cười đôn hậu, lịch lãm và hóm hỉnh. Mai này có một con đường Hà Nội nào đó mang tên nhạc sĩ Hồng Đăng, ở đó sẽ được trồng hoa sữa, loài hoa mà bằng một ca khúc ông đã dành tặng cho Hà Nội như một biểu tượng nghệ thuật.
Vĩnh biệt chú Hồng Đăng!