Thông tin về việc thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động, chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của LĐLĐ TP Hà Nội cho thấy, năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, công nhân viên chức lao động.
Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ song do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều nước.
Giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá hàng tiêu dùng, thực phẩm, giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, tiền lương bình quân của người lao động năm 2023 bằng năm 2022, tuy nhiên, tiền thưởng Tết của người lao động bị giảm đáng kể so với năm 2023.
Cụ thể, về mức lương trung bình của người lao động, đối với các doanh nghiệp thuộc Công ty có cổ phần vốn góp chỉ phối của Nhà nước tăng 0,72% so với năm 2022; với các loại hình doanh nghiệp còn lại bằng năm 2022. Mức thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động do giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội tăng cao.
Về mức thưởng Tết trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so với năm 2023. Cụ thể, thưởng Tết Dương lịch 2023 giảm từ 16,67% đến 32,31% so với Tết 2023.
Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm.
Để chăm lo cho người lao động, đảm bảo tất cả đoàn viên - người lao động đều có Tết, Công đoàn Hà Nội đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới các cấp công đoàn với nhiều hoạt động như: Tổ chức chương trình Tết Sum vầy - Xuân gắn kết và Chợ Tết Công đoàn, tặng phiếu mua hàng cho người lao động; Hành trình Tết Công đoàn hỗ trợ đưa - đón công nhân lao động về quê đón Tết và quay trở lại làm việc; hỗ trợ sửa "Mái ấm công đoàn"; thăm hỏi, tặng quà người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Thông qua các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; tạo động lực, cổ vũ đoàn viên, người lao động làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Qua đó, củng cố niềm tin, gắn bó của đoàn viên, người lao động, thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.