Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về du lịch Hà Nội trong năm 2023.
Năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của ngành du lịch Thủ đô sau hơn 2 năm khó khăn vì đại dịch Covid-19. Ông có thể thông tin một vài con số cụ thể về vấn đề này?
- Trong năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch Thủ đô đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, du lịch Hà Nội đón được 18,7 triệu lượt du khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt trong năm 2022. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, TP Hà Nội đã đón 332.000 lượt du khách, trong đó có 32.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thương hiệu du lịch Thủ đô ngày càng có vị trí, uy tín cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2022, TP Hà Nội được nhận 2 giải thưởng là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” và “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” do Tổ chức giải thưởng World Travel Awards (WTA) đề cử và bình chọn.
Việc Hà Nội đã đón được một lượng lớn du khách cho thấy du lịch Thủ đô đã có dấu hiệu khởi sắc, hồi phục trong năm 2023.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… đã mở cửa biên giới cho phép du khách được đi du lịch bình thường. Các nước mở cửa biên giới sẽ tác động đến du lịch Việt Nam như thế nào, thưa ông ?
- Mặc dù năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn bởi những thách thức như xung đột Ukraine - Nga, tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến trong cùng khu vực. Tuy nhiên việc nhiều nước thuộc các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam đã mở cửa sẽ tạo cơ hội cho ngành du lịch nói chung, Hà Nội nói riêng hồi phục hoạt động đón khách quốc tế.
Thực tế cho thấy, năm 2022, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế nhưng lượng khách đến Việt Nam không nhiều. Nguyên nhân là do các đối tác du lịch quốc tế chủ yếu đến Việt Nam để thăm dò, đánh giá thị trường, từ đó lên kế hoạch bán tour, nhận khách cho năm 2023. Trước mắt, Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam nên có thể kỳ vọng du khách Nhật Bản tới Việt Nam nhiều hơn. Việc Trung Quốc đã thông báo mở cửa biên giới sau 3 năm đóng cửa nên lượng khách sang Việt Nam sẽ tăng mạnh bởi nhu cầu được đi du lịch của người dân nước này sẽ tăng lên rất cao.
Trong khi đó, tất cả những sản phẩm dịch vụ của chúng ta từ khách sạn, nhà hàng đều đã phục hồi hoàn toàn. Hơn nữa, năm vừa qua du lịch Việt Nam đã chứng minh được là điểm đến an toàn, hiếu khách. Cho nên tôi kỳ vọng năm 2023, ngành du lịch Việt Nam sẽ bùng nổ, phát triển trở lại như năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.
Vậy, Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch, hướng đi như thế nào để đón đầu luồng khách quốc tế qua đó hồi phục phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay?
- Năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Cụ thể, khách quốc tế đạt 3 triệu lượt, tăng 100% so với năm 2022, 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, ngành du lịch Thủ đô tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề. Trong đó, chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch từ trung tâm TP đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì. Tăng cường triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, sông Hồng...
Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, lễ hội quy mô lớn của quốc gia và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông trong nước, quốc tế.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, phát triển sản phẩm kinh tế đêm là một trong những động lực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, vậy trong thời gian tới du lịch Thủ đô sẽ tổ chức loại hình du lịch này như thế nào thưa ông?
- Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, trong đó có lĩnh vực du lịch. Đây là căn cứ quan trọng để ngành du lịch phối hợp các ngành, các cấp cụ thể hóa quy định quản lý đối với hoạt động kinh tế còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.
Thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch tham gia tour trải nghiệm đêm như “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian...
Để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch đêm, cuối tháng 12/2022 TP Hà Nội liên tiếp khai trương các tuyến phố đêm kết hợp ẩm thực tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình); Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Có thể nói việc TP Hà Nội liên tục mở thêm tuyến phố đêm và không gian đi bộ sẽ tạo thêm các điểm tham quan mới thu hút du khách đến Thủ đô.
Xin cảm ơn ông!