Sáng 23/11, tại Hội nghị lần thứ 10, BCH Đảng bộ TP khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu đã tổng hợp, tiếp thu một số nội dung các đại biểu quan tâm.
Chú trọng hơn đến hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Qua 110 lượt đại biểu phát biểu với 166 ý kiến trực tiếp tại thảo luận tổ trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu có đề nghị đánh giá kỹ bối cảnh khó khăn và kết quả đạt được của năm 2022: TP cùng lúc triển khai khai nhiệm vụ của năm 2022 với khối lượng công việc lớn, vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ cho trung và dài hạn (như tổng kết Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị; tổng kết Luật Thủ đô; triển khai Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; triển khai Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, các địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; triển khai kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa...)...
Từ bối cảnh đó, để rút ra được bài học kinh nghiệm của năm 2022 là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy; về tầm nhìn, về xác định mục tiêu, về xác định trọng tâm trọng điểm đột phá của đột phá; về luôn lắng nghe, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, về sâu sát quyết liệt tháo gỡ vướng mắc khó khăn, và thực chất, lấy hiệu quả và kết quả cuối cùng bằng sản phẩm cụ thể để đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến cho rằng nên phân tích sâu về hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để từ đó đề ra phương hướng và giải pháp cho năm 2023. Trong đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của TP và giữa các sở, ban, ngành với các quận, huyện, thị xã vẫn còn thiếu quyết liệt, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh của người đứng đầu một số đơn vị; hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính; sự chậm chễ trong việc thực hiện các kết luận của thanh tra và của kiểm toán nhà nước…
Đối với năm 2023, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần tập trung dự báo, đánh giá và phân tích kỹ hơn về bối cảnh, trong đó đều thống nhất nhận định cho rằng năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với năm 2022. Dự báo tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng do nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp nhiều khả năng sẽ thu hẹp quy mô hoạt động,... Từ đó xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế phù hợp và chú trọng, quan tâm hơn đến vấn đề hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh, bền vững
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát tạo động lực mới, nguồn lực mới. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo ra không gian phát triển mới, bố trí sắp xếp lại không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới. Đẩy mạnh hạ tầng sản xuất kinh doanh: các khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; khách sạn cao cấp; các trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng...
Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, phát triển khoa học công nghệ. Trước mắt là tập trung đề xuất chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc về TP quản lý. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó cách làm nhanh nhất và hiệu quả nhất là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp ủy quyền. Nhiều ý kiến của các đại biểu đề xuất tiếp tục rà lại toàn bộ quy trình làm việc, số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, số hóa thông tin và đề nghị sớm triển khai sử dụng văn phòng điện tử dùng chung cho cả hệ thống trên địa bàn TP.
Về định mức phân bổ ngân sách, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP dự kiến định mức cụ thể cho 30 quận, huyện, thị xã trong năm 2023 là 7.861,421 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm trước để đáp ứng chi nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản phân cấp thêm cho các quận, huyện, thị xã.
Đối với định mức phân bổ chi thường xuyên, dự toán chi thường xuyên T.Ư giao cho TP xác định trên cơ sở định mức phân bổ quy định tại Quyết định 30/2021/QĐ-TTg và xác định tăng thêm 2.266 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán năm 2022.
Về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, có nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp đối với này, trong đó các ý kiến đều thống nhất đánh giá, nhận định để tăng trưởng nhanh bền vững cần dựa vào khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất chính; 3 trụ cột gồm chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị rà soát, bổ sung thêm các chỉ tiêu làm động lực đột phá, đặc biệt là các chỉ tiêu thống kê về: kinh tế số; công nghiệp văn hóa; các chỉ tiêu về văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… chính quyền đô thị, chính quyền số, Thành phố thông minh. Từ đó, các đại biểu kiến nghị cần xây dựng các tiêu chí đối với những lĩnh vực này.
Các ý kiến đại biểu cũng đề nghị tiếp tục triển khai quyết liệt về phân cấp ủy quyền theo tinh thần của Ban Chỉ đạo của TP theo phương châm cấp nào gần dân, sát dân nhất thì thực hiện và TP chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện quản lý theo địa bàn.