Sáng nay, 8/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thực hiện Điểm A, B Khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô).
Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công tại đơn vị SNCL
Tại Hội nghị, trình bày dự thảo Tờ trình của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng cho hay, việc ban hành Nghị quyết nhằm triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công tại đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý của TP, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nghị quyết quy định chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô về việc sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp: sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ cho những hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm, trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hoặc trong các trường hợp được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Đối tượng áp dụng Nghị quyết là đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý của TP; cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có liên quan việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Dự thảo Nghị quyết gồm 5 chương, với 20 điều. Bên cạnh Chương I quy định chung và Chương V về điều khoản thi hành, các chương II, III, IV quy định về: trình tự, thủ tục, quyết định Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; cơ chế tài chính khi sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; biện pháp bảo vệ, giữ gìn, tu bổ tài sản khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Về nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết này, dự kiến các chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản công tại đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý của TP vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Nghị quyết của HĐND TP được bù đắp từ nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, không làm phát sinh nguồn kinh phí bổ sung từ NSNN.
Rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi, tăng phân cấp phân quyền
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đánh giá dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đã được cơ quan soạn thảo xây dựng một cách công phu, trách nhiệm cao; đồng thời nêu những vấn đề liên quan như: sự cần thiết ban hành Nghị quyết; cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc ban hành; những điểm chưa phù hợp, vướng mắc khi tổ chức triển khai thực hiện và điều khoản thi hành; cơ chế tài chính khi sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết bảo đảm hiệu quả…
Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhằm quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, bảo đảm không bị “chết” mà được sử dụng có mục đích theo đúng công năng quy định; bù đắp chi phí sửa chữa, duy tu, duy trì tài sản của Nhà nước và một phần thu cho đơn vị để nâng cao thu nhập của người lao động và thu một phần NSNN...
Mặc dù vậy, góp ý vào dự thảo, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc-tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) Bạch Thành Định cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ đối mặt khó khăn, do nhiều năm qua, việc quản lý sử dụng tài sản công gặp nhiều vấn đề bất cập. Cơ quan soạn thảo cần giải thích về những nguyên tắc trong Nghị quyết, vì là các tài sản không phải mua mới, nên phải giải quyết rất nhiều tồn tại…
“Nên giải thích một cách rõ ràng, trên cơ sở đánh giá rất kỹ, giải quyết những tồn đọng ra sao của các tài sản công, thì mới ban hành Nghị quyết bảo đảm đi vào cuộc sống. Giao việc quản lý tài sản công cho Hội đồng hay Thủ trưởng đơn vị SNCL cũng là vấn đề cần tính toán kỹ”- ông Bạch Thành Định nêu ý kiến.
KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, về trách nhiệm của đơn vị công, trong bối cảnh hiện nay nên bổ sung điều kiện “trường hợp bất khả kháng, tài sản công bị hư hỏng do thiên tai và lũ lụt thì nhà nước cần có đền bù” thì phải nêu rõ 2 bên khi đã đưa vào liên kết có thỏa thuận với nhau không.
Đặc biệt, trong khoản 2 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết nên tách bạch trách nhiệm của sở, ban, ngành và của quận, huyện, phường, xã thành 2 khoản, trong đó nên phân cấp thêm cho cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm Nghị định của Chính phủ về vai trò của Công an trong xử lý vi phạm để bổ sung vào dự thảo Nghị định này.
Khẳng định ban hành dự thảo Nghị quyết là sự cần thiết để triển khai đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống một cách thiết thực, song TS Đinh Hạnh- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) đề nghị: bổ sung vào dự thảo Tờ trình nội dung đánh giá sơ bộ việc thực hiện Nghị định 151/CP quy định một số điều của việc quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định về quy chế sử dụng của các đơn vị SNCL để tham khảo, đưa vào dự thảo Nghị định mới này, nhất là về cơ chế tài chính.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, cần có bổ sung vào dự thảo các báo cáo: đánh giá toàn bộ việc sử dụng tài sản công của TP Hà Nội thời gian qua nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được và chưa được trong quản lý sử dụng tài sản công của đơn vị SNCL; tập hợp ý kiến của Nhân dân để đưa lên Cổng thông tin điện tử; thẩm định của Sở Tư pháp… Đặc biệt, trong dự thảo Tờ trình cần bổ sung phân tích sâu về Luật quản lý và sử dụng tài sản công trong phần cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, các đại biểu đánh giá, dự thảo Nghị quyết chưa lượng hóa về việc phân chia lợi nhuận, cần phân định rõ bên cho thuê và bên thuê có trách nhiệm và quyền lợi ra sao; bổ sung rõ vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam TP như là một cơ quan tương đối độc lập so với UBND TP thì mới thể hiện được tính minh bạch, dân chủ trong quản lý tài sản công; có cơ chế cho dư luận xã hội phát biểu ý kiến…
Kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết nhằm thực hiện Luật Thủ đô, thể hiện tính chính trị cao, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng, chống lãng phí.
Từ đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo (Sở Tài chính Hà Nội) lựa chọn những nội dung trúng, đúng, hồ sơ trình HĐND TP bảo đảm ngắn gọn; tiếp tục rà soát các luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cụ thể, cũng như tính minh bạch, công khai trong hoạt động cho thuê; bổ sung quy định chi tiết về cơ chế tài chính; cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ và tu bổ tài sản công; đơn giản hóa thủ tục phê duyệt và triển khai.
Đồng thời, đề nghị tăng cường vai trò giám sát và trách nhiệm giải trình của các đơn vị quản lý tài sản công; đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa cụ thể khi xảy ra các tình huống bất khả kháng, hoặc các sự cố ngoài ý muốn, để bảo toàn giá trị tài sản công. Cùng đó, thường xuyên tổ chức đánh giá hiệu quả triển khai Nghị quyết, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát để khẳng định nghị quyết thực sự mang lại hiệu quả, được các cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân ủng hộ; có kế hoạch truyền thông để người dân hiểu về quá trình triển khai Nghị quyết…