70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Nâng cao trách nhiệm của các cấp trong thực hiện công tác dân vận chính quyền

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước.

Nội dung Chỉ thị số 07-CT/TU nêu rõ 10 nội dung chính về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước như: Cùng với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, các cấp ủy cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm, gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chức trách của cán bộ, công chức, viên chức. Đưa việc thực hiện công tác dân vận chính quyền là tiêu chí quan trọng trong đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân.
Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, nhất là trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; xử lý kịp thời, hiệu quả thông tin phản ánh liên quan cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 Tổ tuyên truyền Covid cộng đồng phường Quang Trung (quận Đống Đa) thực hiện tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cơ quan Nhà nước các cấp TP tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận, thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương về việc phân công chủ tịch UBND các cấp, lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phụ trách công tác dân vận của chính quyền và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trong công tác dân vận của chính quyền.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một cách đồng bộ, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện công khai, dân chủ trong quản lý, điều hành; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; quan tâm xây dựng các quy chế thực hiện dân chủ trong loại hình mới gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Nắm chắc tình hình Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước. Đảng đoàn HĐND TP chỉ đạo thể chế hóa trách nhiệm thực hiện công tác dân vận trong nghị quyết hàng năm của HĐND TP.
Ban Cán sự đảng UBND TP xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt chỉ thị; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tế. Các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra; định kỳ đánh giá, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trên với Ban Thường vụ Thành ủy…