Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Ngành Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu dùng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/8, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã về công tác phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương qua đó đề ra phương hướng nhiệm vụ cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 7,29% so với cùng kỳ 2018;  tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt 1.330 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,201 tỷ USD, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,976 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 55,2%, tăng 6,3%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,225 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44,8%, tăng 4,4%.
Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Sở Công Thương Hà Nội với các quận, huyện chiều 1/8.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến cuối năm Sở Công Thương Hà Nội đề ra nhiệm vụ hỗ trợ DN phát triển sản xuất, tiêu dùng trong các lĩnh vực thương mại, xuất khẩu công nghiệp, điện lực…
Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia phiên chợ Việt tổ chức tại địa phương, qua đó đẩy mạnh Chương trình bán hàng Việt về nông thôn; tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất rượu thủ công, cơ sở bán rượu tiêu dùng tại chỗ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP và cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở này để hạn chế tối đa việc sản xuất rượu không phép, kinh doanh rượu không có nguồn gốc. Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề; xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020.
Đặc biệt, phối hợp với các quận, huyện, thị xã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN qua đó đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị; tăng cường công tác quản lý nhà nước, xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm; giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ. Trong đó, tập trung vào các vụ việc tại các chợ: chợ Bưởi; chợ Nghĩa Tân; chợ Phủ Lỗ; chợ Kim; chợ Nành; chợ Sáng Đại Mỗ; chợ Thành Công B.
Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý chợ, DN quản lý, kinh doanh, khai thác chợ vận động các hộ kinh doanh ký cam kết chống rác thải nhựa, phấn đấu đến hết ngày 31/12/2020 giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% rác thải phát sinh tại chợ được thu gom, phân loại từ nguồn; thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện môi trường như lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học.
Cũng tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: Năm 2019, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5% đến 8% so với thực hiện năm 2018, để hoàn thành mục tiêu này, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án "Đẩy mạnh xuất khẩu của TP Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025"; Kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019; Đề án “Giải pháp phát triển kinh tế của TP Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn đến năm 2020”.
Ngoài ra, tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, sử dụng điện với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Tiếp tục thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019.