Rau xanh, thực phẩm không thiếu
Sáng sớm 24/7, tại chợ Nam Đồng, Kim Liên (quận Đống Đa), quầy thịt bò khá nhộn nhịp. Chị Hoa, tiểu thương kinh doanh mặt hàng này vừa thái thịt cho khách vừa liên tục giải thích: "Bà con và người tiêu dùng yên tâm, em bán hàng quanh năm không cần phải mua tích trữ, chiều và sáng mai là có hàng".
Hiện tại, giá bán thịt bò không có gì thay đổi, phổ biến từ 180.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại. Tại các quầy kinh doanh thịt gà cũng thu hút nhiều người tiêu dùng tới mua, hiện giá gà ta lông 130.000 - 140.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, lượng khách mua tăng là do hôm nay ngày rằm nên đến mua để thắp hương, không hẳn do giãn cách xã hội. Chị Minh Mai, tiểu thương kinh doanh thịt gà chia sẻ: "Chúng tôi bán hàng quanh năm, lấy uy tín và giữ khách hàng chứ không phải vì lượng khách đông mà tăng giá. Người tiêu dùng không cần đến cửa hàng, chỉ cần gọi điện thoại là gà được làm sạch và mang đến tận nơi".
Tại một số chợ truyền thống khác như Khương Thượng (quận Đống Đa), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Thành Công (quận Ba Đình),… mặc dù người dân đi chợ đông hơn ngày thường khoảng 10 - 20% nhưng lượng rau xanh, thực phẩm luôn đầy đủ.
Chị Vũ Thị Nhung, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Kim Liên chia sẻ, lượng khách mua thịt đông hơn ngày thường, ngay từ 7 giờ sáng chị đã bán hết gần 200kg thịt, tuy nhiên giá bán không tăng.
Cụ thể, thịt thăn có giá 140.000 - 150.000 đồng/kg, thịt chân giò 160.000 - 170.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt vai và mông sấn 140.000 - 150.000 đồng/kg, sườn 160.000-170.000 đồng/kg.
Nếu như mặt hàng thịt không tăng giá thì mặt hàng rau xanh có chút tăng nhẹ, từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, mấy hôm trước bí xanh được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng hiện tăng lên mức 25.000 đồng/kg; rau cải từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, rau muống từ 5.000 - 6.000 đồng/bó hiện được bán với giá 10.000 - 20.000 đồng/bó, cà chua từ 15.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg, mướp đắng tăng lên 17.000 đồng/kg, mướp hương lên 20.000 đồng/kg, su su 15.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Hapro Mart liên tục bổ sung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hải sản, rau xanh với giá cả ổn định. Hiện, giá gạo tám thơm Điện Biên ở mức 21.500 đồng/kg; gạo thơm lài 21.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg…
Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong thông tin, Big C dự trữ tăng 30 - 50% số lượng hàng hóa so với ngày thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao; hàng tươi sống...
Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart) Nguyễn Thái Dũng cho biết, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mì phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Phó Tổng giám đốc Vận hành Công ty VinCommerce (VCM) Nguyễn Thị Phương cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, riêng rau xanh tăng gấp 5 lần. Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mì tôm, thịt lợn, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt..."
Là người mua hàng tại siêu thị, anh Nguyễn Đức Minh, ở phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa) chia sẻ: "Thực phẩm tươi sống, rau xanh không thiếu nên chỉ mua lượng vừa đủ dùng trong ngày, mai lại ra mua hàng mới. Tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, doanh nghiệp nên tôi không sợ thiếu nguồn cung. Là người dân, chúng tôi tuân thủ và chấp hành đúng quy định của Nhà nước đề ra và hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi".
Đẩy mạnh bán hàng online
Nhằm hạn chế tụ tập đông người, các siêu thị đã đẩy mạnh bán hàng online. Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho biết, hiện hệ thống siêu thị VinMart đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Tương tự, hệ thống siêu thị Big C và GO! cũng áp dụng chính sách bán và giao hàng tại nhà, hỗ trợ giao hàng miễn phí trong phạm vi 10km cho đơn hàng từ 200.000 đồng. Ngoài giao hàng online miễn phí, hệ thống siêu thị Big C, GO! cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng giảm chi phí trong mùa dịch.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Co.opmart còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, trang web https://cooponline.vn/, liên kết với hầu hết các ứng dụng công nghệ của các hãng. Người tiêu dùng mua hàng online tại kênh mua sắm trực tuyến của Co.opmart Hà Nội cũng được hỗ trợ giao hàng miễn phí.
Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online, ngày 22/7, Sở Công Thương Hà Nội đã có Công văn số 3275/SCT-QLTM gửi UBND các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các Ban quản lý chợ đề nghị tăng cường khuyến khích, vận động người tiêu dùng, hộ kinh doanh lựa chọn sử dụng phương thức mua bán trực tuyến thay vì mua bán trực tiếp hàng hóa tại chợ truyền thống.
Theo đó, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, hạn chế tối đa tiếp xúc khi giao dịch và ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, và lãnh đạo các Ban quản lý chợ tăng cường khuyến khích, vận động người dân lựa chọn sử dụng phương thức đặt hàng trực tuyến thay vì mua hàng tại điểm bán hàng hóa truyền thống.
Tích cực thanh toán không dùng tiền mặt tránh tiếp xúc trực tiếp nhằm hạn chế lây nhiễm. Phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, website, ứng dụng thương mại điện tử có đặt hàng trực tuyến như: Grap, Now, Bae Min, GoFood để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.
Phổ biến, hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn quản lý tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử. Giúp các tiểu thương kết nối với bạn hàng, tìm kiếm thêm khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch ngày càng siết chặt.
Do điều kiện phòng chống dịch Covid-19 chưa thể tổ chức tập huấn được, Sở Công Thương hướng dẫn một số phương thức bán hàng trực tuyến để các đơn vị phổ biến, hướng dẫn triển khai tại các chợ giúp các tiểu thương, cá nhân kinh doanh trực tuyến.