Hà Nội: Người dân bình tĩnh mua bán, hàng hóa dồi dào

Lê Nam- Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội tối 18/7, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Công điện mới về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 không có nhiều xáo trộn lớn, hàng hóa dồi dào.

Chiều 18/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện về việc triển khai một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 0 giờ 19/7 dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội tối 18/7 không có nhiều xáo trộn lớn, hàng hóa dồi dào.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Vinmart trên phố Trúc Khê ( tối 18/7)

Tại siêu thị Vinmart Trúc Khê, không khí mua sắm vẫn diễn ra bình thường, thậm chí, khá vắng vẻ, lượng khách không đông. Tại quầy thực phẩm tươi sống cũng được bày nhiều hơn so với mọi khi... với đầy đủ các chủng loại từ thủy hải sản, thịt gia cầm, gia súc... luôn đầy ắp hàng hóa, quầy rau xanh được tiếp liên tục, không để tình trạng "cháy kệ, rỗng hàng".Tương tự tại siêu thị Hapro Thành Công lượng khách hàng đến mua sắm  thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu không đông; Tại các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống sức mua không biến động, hàng hóa khá dồi dào.
Đang mua sắm tại siêu thị Hapro Thành Công, chị Nguyễn Thùy Trang nhà ở đường La Thành cho biết, qua báo chí tôi được UBND TP vẫn cho phép hệ thống chợ, siêu thị hoạt động bình thương, nguồn hàng thiết yếu tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị luôn dồi dào với đủ loại mặt hàng để người dân lựa chọn. Các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn được hoạt động. Sở Công Thương Hà Nội cũng cam kết chuẩn bị đầy đủ nhu yếu, thực phẩm nên cuối tuần, tôi đi siêu thị mua thức ăn như thường lệ thôi, chứ cũng không lo lắng việc thiếu hàng. Chúng tôi cũng ý thức thực hiện giãn cách, 5k theo đúng Chỉ thị mới.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Thành Công ( tối 18/7)

Thực tế cho thấy một số siêu thị đặt trong các khu đô thị mới lượng khách mua lương thực, thực phẩm, rau xanh tăng mạnh người dân xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới tới lượt thanh toán. Tại Trung tâm Thương mại Vincom Phạm Ngọc Thạch người dân ùn ùn tới mua hàng khiến các quầy rau xanh, thịt, giò trống chơn. Siêu thị Thành Đô tại 27 Lạc Trung ( quận Hai Bà Trưng) cũng trong tình trạng tương tự, khi  lượng khách mua hàng tăng đột biến. Chị Kim Lan (phường Khương Thượng, quận Đống Đa ) cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người tiêu dùng lo thiếu nguồn thực phẩm, rau xanh như người dân TP Hồ Chí Minh  đang trải qua, nên đã chi hàng triệu đồng để cất trữ rau củ quả, thịt đông lạnh, mì ăn liền đủ dùng trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày.
 Quầy thịt tươi tại TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch "cháy hàng" ( tối 18/7)

Trước lo lắng của người tiêu dùng về việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan  cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường và cam kết không tăng giá trong thời điểm này. Cụ thể ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
 Tối 18/7 quầy rau xanh tại TTTM VinCom Phạm NGọc Thạch "cháy" hàng

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 TTTM, 123 siêu thị, 1800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2382 điểm bán hàng bình ổn giá…phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; TP cũng đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1920 địa điểm làm kho dự trữ hàng hóa, điểm bán hàng lưu động tại các quận, huyện. “ Mặc dù đang phải đối mặt với một số khó khăn như nguồn nhân lực vận chuyển hàng hóa, một số mặt hàng thiết yếu đang phải “chi viện” cho các tỉnh phia Nam. Song trong bất kỳ tình huống nào cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân kể cả khi mua sắm tăng cao, không để xẩy ra tình trạng thiếu hàng”-Bà Lan khẳng định.