Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Người dân có xu hướng giảm ăn thịt lợn?

Hương Hồi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Hà Nội công bố có 3 ổ dịch tả châu Phi trên đàn lợn, một số người dân đã hạn chế ăn thịt lợn bán trôi nổi trên thị trường tự do. Tuy nhiên, tại những địa điểm bán hàng có nguồn gốc xuất xứ thịt lợn vẫn bán chạy.

Thịt lợn chưa có biến động giá

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, như: Chợ Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Thành Công (quận Đống Đa), chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), nhiều quầy bán thịt lợn không hạn chế người mua. Chia sẻ của một tiểu thương ở Hà Đông cho biết, mấy ngày nay khi thành phố công bố có dịch tả lợn châu Phi, thịt lợn bán cũng chậm hơn so với trước chút ít không đáng kể.
 Người dân đang dè dặt khi mua lợn bán trôi nổi trên các chợ.
Chị T ở chợ Thành Công cho biết: Nhìn chung khi có thông báo có dịch tả lợn châu Phi người dân cũng e dè trong việc lựa chọn thịt lợn hơn. Tuy nhiên, vẫn nhiều người mua, chứ chưa ai xa lánh hẳn thịt lợn.

Tuy có dịch nhưng giá thịt lợn vẫn chưa có biến động. Các sản phẩm thịt sấn, ba chỉ, bắp giò giữ giá ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg. Nạc thăn, nạc vai, sườn có giá bán khoảng từ 100.000 – 110.000 đồng/kg.

Người dân chuyển sang tiêu thụ thịt rõ nguồn gốc

Chủ một cửa hàng bán rau và thực phẩm an toàn tại chợ Thanh Xuân Bắc chia sẻ: Cửa hàng mấy ngày nay vẫn bán thịt lợn như bình thường, do thịt lợn rõ nguồn gốc xuất xứ. Cửa hàng đặt trước với nhà cung cấp nên ổn định về sản lượng, giá cả. Người dân vẫn mua đều đặn và có chiều hướng nhích tăng về lượng hàng. Nếu một vài ngày nữa, người dân tăng mua số lượng lớn hơn thì cửa hàng sẽ tăng lượng hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
 Những sản phẩm thịt rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được người dân tin dùng.
Chị Th ở Văn Quán, Hà Đông chia sẻ: Khi nghe có dịch tả lợn châu Phí nhà chị cũng giảm mua thịt lợn, thay vào đó là thịt gà, thịt ngan, vịt. Trước kia ăn 10 bữa thịt lợn mới ăn 1 bữa từ thịt, cá khác thì bây giờ giảm đi 5 bữa ăn thịt lợn – 5 bữa ăn thực phẩm khác. Thịt lợn không thể bỏ hẳn trong bữa ăn hàng ngày, nhất là nhà mình có cháu nhỏ rất thích ăn thịt lợn, vì nó dễ ăn, dễ chế biến. Thay vì trước kia mình hay mua ở ngoài chợ thì bây giờ mua trong siêu thị, cửa hàng an toàn thực phẩm. Dù sao ở đây thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ. Con lợn được nuôi tập trung, giết mổ tập trung và có kiểm soát dịch bệnh.

Một số người tiêu dùng chia sẻ: Nếu thịt lợn bán trên thị trường tự do được công bố nguồn gốc xuất xứ, được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ về dịch bệnh thì người dân vẫn tiêu dùng thịt như bình thường, vì dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.
Như vậy, nhu cầu thịt lợn trên thị trường vẫn lớn, để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình các bà nội chợ đang chuyển việc mua thịt lợn không rõ nguồn gốc sang những cơ sở có bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau đợt dịch này, ngành chăn nuôi cần phải cơ cấu lại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt theo chuỗi khép kín từ chuồng nuôi đến tay người tiêu dùng, sao cho đảm bảo các sản phẩm thịt kể cả từ chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh doanh tại các chợ đều có xuất xứ, được chứng nhận an toàn thực phẩm.