Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: người đứng đầu cấp ủy chủ động, sâu sát trong đối thoại, tiếp dân

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn TP tăng. Nhiều vấn đề đã được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở...

Sáng 2/5, tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ TP (khóa XVII), Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức đã trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày báo cáo tại hội nghị.
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày báo cáo tại hội nghị.

Không để phát sinh thành “điểm nóng”

Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, việc triển khai thực hiện Quy định 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở.

Do vậy, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị đã từng bước được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.

Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên. Việc kiểm tra giám sát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành, đơn vị đã chủ động việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự. Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Qua đó kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiến hành làm việc, đối thoại, tiếp công dân theo quy định, trong đó trực tiếp tiếp 22 vụ việc với người dân. Đây là các vụ việc được người dân khiếu kiện kéo dài, có tính chất điển hình, các gia đình chính sách thương binh liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy đã đối thoại 15 kỳ cuộc với đông đảo quần chúng Nhân dân tại các hội nghị đối thoại với các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và các cơ quan doanh nghiệp, tầng lớp trí thức trên địa bàn TP, gặp mặt Thanh niên tiêu biểu TP, Hội Liên hiệp phụ nữ TP, công nhân lao động thủ đô, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.

Các ý kiến tại hội nghị đối thoại đã được Bí thư Thành ủy phúc đáp, giải quyết ngay tại các hội nghị. Một số vụ việc tiếp công dân điển hình sau rất nhiều năm mới được giải quyết đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng của Nhân dân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ sự quan tâm của cấp ủy đến với người dân.

 

Theo thống kê qua 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị "về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân", tổng số cuộc tiếp dân định kỳ, đột xuất/số lượt công dân được tiếp: cấp xã 117.232/657.986; cấp huyện 41.407/57.234; cấp TP 11.519/16.633.

Về kết quả tiếp công dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu, cấp ủy các cấp đã tập trung giải quyết thuộc thẩm quyền 72.317 vụ việc. Trong đó, đã giải quyết 71.526 vụ việc.

Qua theo dõi, sau các cuộc tiếp dân, các vụ việc đã được giải quyết, người dân tin tưởng và được sự đồng tình cao trong dư luận của Nhân dân. Tạo sự lan tỏa trong hệ thống chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo sự đồng tình ủng hộ, tin tưởng của người dân đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.

Đối với các cấp ủy, các ngành TP, các đơn vị đã chủ động phân công và công khai lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo. Đồng thời, tổ chức đối thoại, vận động thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ bức xúc của Nhân dân, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Các bí thư cấp ủy đã thực hiện tốt công tác tiếp dân theo quy định. Nhiều công dân đã được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy địa phương giải quyết kịp thời, tạo niềm tin trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy, tình hình phản ánh, kiến nghị của công dân ngày càng phức tạp, khối lượng đơn thư trên địa bàn TP phát sinh nhiều. Ngoài ra, do đặc thù Hà Nội là Thủ đô của cả nước, địa giới hành chính rộng, tốc độ đô thị hoá nhanh, việc thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội tăng nhanh dẫn đến đơn thư liên quan đến các lĩnh vực như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng...

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Vì vậy, thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong thực hiện công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cùng với đó, tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc. Đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; không để hình thành, phát sinh "điểm nóng" về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân với tinh thần chủ động, kịp thời, thấu đáo, sâu sát...

Kịp thời theo dõi phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng, trì hoãn, kéo dài, thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong công tác xử lý đơn thư, tiếp công dân, có dấu hiệu biểu hiện tiêu cực, trục lợi.

Chú trọng các vụ việc khiếu kiện kéo dài còn tồn đọng ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương, vụ việc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh trật tự, các vụ việc về đền bù giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, xây dựng, bãi xe, nghĩa trang, rác thải, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong công tác này.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về chính trị, pháp luật, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.