Hà Nội: Người lao động mất việc khấp khởi chờ được trở về quê

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi biết thông tin TP Hà Nội cho thống kê người dân, người lao động có nhu cầu về quê, nhiều người lao động ngoại tỉnh rất phấn khởi, mừng rơi nước mắt vì sắp có cơ hội được trở về nhà sau những ngày mắc kẹt ở Hà Nội không việc làm, không thu nhập vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mong mỏi sớm được trở về quê nhà
Kể từ khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021, người lao động, người dân ngoại tỉnh đã nghỉ làm để chống dịch để phòng chống dịch Covid-19 trong nhiều ngày. Những người lao động, nhất là lao động tự do khi ráo mồ hôi là hết tiền nhưng đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương về kinh phí, lương thực thực phẩm thiết yếu. Ngày 10/9/2021, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3009/UBND-KGVX về việc đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn TP, trong đó giao cho Sở LĐTB&XH Hà Nội tổng hợp nhu cầu về quê của lao động ngoại tỉnh. Ngay khi biết được thông tin này, nhiều người lao động ngoại tỉnh rất vui mừng, phấn khởi vì mong muốn được trở về quê của họ sắp thành sự thật.
Lao động ngoại tỉnh trên địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông) được hỗ trợ lương thực thực phẩm trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc được đăng ký về quê, chị Nguyễn Thị Lý, quê Thái Bình hiện đang thuê trọ ở phố An Hòa, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông cho biết: “Mấy tháng trước, tôi đưa con gái lên Hà Nội làm thuê ở tiệm cắt tóc, gội đầu. Thế rồi, khi dịch Covid-19 căng thẳng, TP Hà Nội thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó” nên mẹ con tôi bị kẹt lại. Mấy tuần trước, tôi đã đề cập mong muốn được về quê với bác tổ trưởng dân phố, vì năm nay, con gái vào học lớp 1. Để việc học của con không bị giãn đoạn, tôi đã nhờ người xin cho con học trực tuyến lớp 1 ở một trường tiểu học trong quận Hà Đông. Hằng ngày, cô giáo chủ nhiệm ở trường dưới quê gửi bài tập để tôi hướng dẫn con học. Giờ đây, tôi chỉ mong sớm được trở về quê để con đến trường đi học bình thường. Còn tôi sẽ sắp xếp công việc gia đình cho ổn thỏa. Khi TP Hà Nội hết giãn cách, các cửa hàng dịch vụ được hoạt động trở lại thì tôi sẽ lên làm việc”.
Người dân trên địa bàn quận Thanh Xuân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Hơn chục công nhân tự do làm nghề xây dựng (quê Phú Thọ, Sơn La) đang ở trọ trong ngõ 85 đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ cũng hết sức vui mừng khi ngày trở về quê không còn xa. Chiều ngày 12/9, bác tổ trưởng tổ dân phố đã đến tận nhà trọ phát tờ đăng ký cho các công nhân muốn về quê để điền thông tin và hôm sau đến thu lại. “Gần hai tháng nay, chúng tôi chỉ ở trong nhà trọ, không có việc gì làm, chân tay bứt rứt không yên nên muốn được trở về bên gia đình. Cũng may trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi được phường Xuân La tặng gạo, rau....cho tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nay TP lại có chủ trương thống kê nhu cầu người dân về quê, chúng tôi phấn khởi lắm. Chúng tôi chỉ mong sao TP sớm bố trí chuyến xe ô tô chở các lao động về quê thì quý hóa quá. Khi nào Hà Nội hết giãn cách xã hội, chúng tôi lại đến làm việc kiếm sống và góp phần phát triển TP” – anh Vũ Đắc Năm trưởng nhóm công nhân xây dựng làm sắt cho hay.
Khẩn trương triển khai rà soát
Thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, ngay sau khi Sở LĐTB&XH Hà Nội có công văn hỏa tốc đề nghị thống kê người lao động, người dân ngoài tỉnh có nguyện vọng trở về quê, vào buổi trưa thì từ chiều ngày 11/9 UBND các quận, huyện đã triển khai công việc tới phường, xã. Đến chiều tối ngày 13/9, đã có địa phương thực hiện xong công việc thống kê người lao động, người dân ngoài tỉnh có nguyện vọng trở về quê; đơn cử như quận Tây Hồ đã tổng hợp danh sách 586 người có nguyện vọng được trở về quê. Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết, ngày 12/9 quận đã có công văn khẩn gửi đến Phòng LĐTB&XH, Công an quận, UBND các phường  triển khai công tác rà soát, thống kê đảm bảo theo yêu cầu của TP. Tối ngày 13/9, quận Hà Đông thống kê được 2.039 người dân, người lao động có nhu cầu về quê.
 Lao động ngoại tỉnh trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ) được hỗ trợ lương thực thực phẩm trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Xuân La là một trong những phường thuộc quận Tây Hồ thực hiện xong sớm công tác thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nhu cầu trở về quê. Ông Lê Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết: Chúng tôi triển khai thống kê danh sách người lao động có nhu cầu về quê từ sáng ngày 13/9, trên cơ sở trước đó đã có danh sách quản lý số lượng người; và sau đó gọi điện trực tiếp để hỏi, thông qua hệ thống thông tin từ cơ sở (tổ Covid-19 cộng đồng, tổ dân phố, cảnh sát khu vực) đi rà soát. Kết quả thống kê khảo sát đến trưa ngày 13/9, toàn phường Xuân La có 257 lao động ngoại tỉnh đăng ký muốn được trở về quê. Ngoài việc khảo sát, trước đó, phường còn hỗ trợ lương thực thực phẩm; mời tất cả những người dân ở phường Xuân La có đủ điều kiện, kể cả lao động ngoại tỉnh, sinh viên, nhân viên công ty đóng trên phường, bà con tiểu thương ở chợ đi tiêm vaccine để phòng chống dịch Covid-19.
 Người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Giảng Võ (quận Ba Đình) được tặng quà là gạo, mỳ tôm, dầu ăn...
Đến 11 giờ trưa ngày 14/9, quận Ba Đình thống kê được khoảng 1.200 người dân, người lao động có nhu cầu về quê. Chia sẻ thông tin về việc khẩn trương thực hiện công việc này, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Phạm Thị Nết cho hay: Chiều ngày 12/9, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ trưởng dân phố phối hợp với cảnh sát khu vực thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nhu cầu trở về quê. Đến chiều ngày 13/9, toàn phường Phúc Xá có 160 người ngoại tỉnh có mong muốn được về quê. Để có kết quả này, dựa trên danh sách quản lý người dân đã được thống kê, các tổ trưởng đi đến từng khu nhà trọ xác minh từng người, đồng thời vận động Nhân dân đi tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19. Trong khi đó, Tổ trưởng Tổ dân phố 3, phường Phúc Xá Nguyễn Văn Bình chia sẻ cách thức triển khai lao động ngoại tỉnh muốn về quê: Ngay nhận được công văn chỉ đạo, tôi đã nhờ in các bản mẫu thống kê và sau đó đi đến 61 nhà trọ để gặp người lao động hỏi thông tin đồng thời giải đáp những băn khoăn của họ khi về quê có phải thực hiện cách ly trong 14 ngày. Và đến 14 giờ ngày 13/9, tôi đã hoàn thành công việc và lên phường nộp bản danh sách thống kê có 106 lao động ngoại tỉnh muốn được trở về quê.
Theo kế hoạch, trước ngày 15/9, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ gửi danh sách thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê, về Sở LĐTB&XH Hà Nội để cơ quan này kịp thời tổng hợp báo cáo UBND TP.