Hà Nội: Người xây dựng thương hiệu bánh cốm Ngọc Ninh

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gặp bà Đỗ Thị Thanh - người đầu tiên gây dựng nên thương hiệu bánh cốm Ngọc Ninh năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, tinh tường. Bà là một trong những người sớm nhất ở Hà Nội mở cửa hàng làm bánh cốm.

Suốt trong nhiều thập kỷ qua, bà Đỗ Thị Thanh vừa làm, vừa giữ nghề làm bánh cốm cổ truyền của Hà Nội và phát triển thương hiệu.

Trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, bà Đỗ Thị Thanh kể: Là người con của Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong những năm đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng bà đã tìm tòi học cách làm bánh cốm. Với bà, bánh cốm đã đi vào đời sống của người Hà Nội như một thứ không thể thiếu. Từ cúng lễ tại gia đình, ở chùa, đình, làm quà tặng, quà biếu… Đặc biệt vào ngày trọng đại của mỗi người đó là đám hỏi, cưới thì bánh cốm còn như một chứng nhân cho tình yêu của đôi lứa.

Chính vì lẽ đó, năm 1970 bà đã cùng gia đình mở cửa hàng bánh cốm Ngọc Ninh tại 53 Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là thương hiệu bánh cốm thứ Tư trên phố Hàng Than. Suốt trong nhiều thập kỷ qua, bà vừa làm, vừa giữ nghề làm bánh cốm cổ truyền của Hà Nội và phát triển thương hiệu.
 Bà Thanh (bên phải) cùng thợ đóng gói bánh cốm.

5 năm đầu bà Thanh chỉ duy trì 1 cửa hàng, nhưng thấy số lượng người mua ngày càng tăng, đặc biệt khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, năm 1975 bà đã mạnh dạn vào TP Hồ Chí Minh mở thêm 1 cửa hàng làm và bán bánh cốm Ngọc Ninh.

Bà chia sẻ: “Mình làm có uy tín nên người ta đến mua nhiều. Tôi vào TP Hồ Chí Minh mở một cửa hàng, trước tiên là bán buôn, bán lẻ. Sau khi có 1 đến 2 siêu thị đến đặt mua, tôi bán buôn cho họ. Thấy việc phát triển vào các siêu thị được, tôi có đến các siêu thị mời. Đầu tiên tôi bán được 30 siêu thị. Đến nay con tôi đã bán được bánh cho 250 siêu thị, trong đó có 150 siêu thị to và 100 siêu thị nhỏ trên các tỉnh thành cả nước.
 Bánh cốm mới gói xong.

Để bánh cốm có chất lượng thơm ngon, bà Đỗ Thị Thanh luôn lựa chọn mua cốm ngon nhất, mặc dù giá cả có thể cao. Trước khi chế biến, cốm được nhặt loại bỏ những hạt sạn và hạt cốm khô cứng. Đường làm cốm cũng được sử dụng là loại đường kính xuất khẩu có chất lượng tốt. Hàng ngày, những người thợ làm cốm phải dậy từ 4 giờ sáng để làm bánh. Nếu vào những dịp lễ, tết nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì thời gian làm bánh có thể còn sớm hơn.

Thương hiệu bánh cốm Ngọc Ninh không sử dụng phẩm màu nên có màu xanh lá mạ đặc trưng. Bánh mềm, dẻo và thơm mùi tự nhiên từ cốm gạo nếp cái hoa vàng. Hàng ngày, Ngọc Ninh luôn cho ra những mẻ bánh mới để phục vụ khách hàng. Vỏ bánh mềm dẻo, ngọt thanh hoà quện với vị bùi thơm của nhân đậu xanh, dừa tươi và có chút hương bưởi.
 Chị Lê Thị Phong Lan - người con dâu kế nghiệp bà Đỗ Thị Thanh tiếp tục giữ gìn và phát triển thương hiệu bánh cốm Ngọc Ninh.

Bánh cốm một món quà độc đáo, không chỉ xuất hiện trong dịp cưới hỏi, lễ tết của người Hà Nội mà còn là món quà quý của người Thủ đô khi đi thăm người thân, bạn bè ở các tỉnh thành khác và theo chân du khách đến với bạn bè quốc tế ở Mỹ, Đức, Úc...

"Ngày nay, ngoài nâng cao giá trị của bánh cốm, cơ sở còn có bánh xu xê, một số đặc sản của Hà Nội như bánh đậu xanh, ô mai, trà, bột sắn, oản. Chúng tôi còn thêm dịch vụ cưới hỏi trọn gói, đảm bảo chất lượng, uy tín, không chỉ có ở Hà Nội mà khắp các tỉnh thành", chị Lê Thị Phong Lan - người con dâu kế nghiệp bà Đỗ Thị Thanh giữ nghề và tiếp tục phát triển thương hiệu bánh cốm Ngọc Ninh chia sẻ.