Hà Nội: Nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 10 tháng năm 2020 trên địa bàn TP có 2 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) hoàn thành với 254.404m2 sàn (1.860 căn hộ); 38 dự án nhà ở thương mại với 3.083.652 m2 sàn (23.333 căn hộ); 1 dự án nhà ở tái định cư với 73.266m2 sàn (750 căn hộ).

 Trong khi nhu cầu về NƠXH vẫn ở mức cao tỷ trọng cơ cấu giữa phân khúc này với phân khúc nhà ở thương mãi lại có sự “lệch pha” tương đối lớn.
Thiếu căn hộ giá thấp
Theo báo cáo mới nhất, nguồn cung căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... tỷ lệ hấp thụ phân khúc này duy trì ở mức cao, đạt khoảng 70%. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc trung – cao cấp cao gấp khoảng 10 lần so với nguồn cung NƠXH, trong khi phân khúc này tỷ lệ hấp thụ ở mức hạn chế, chỉ đạt khoảng 10%.
“Trong 10 tháng năm 2020 trên địa bàn TP có 2 dự án NƠXH hoàn thành với 254.404m2 sàn (1.860 căn hộ); 38 dự án nhà ở thương mại với 3.083.652m2 sàn (23.333 căn hộ); 1 dự án nhà ở tái định cư với 73.266m2 sàn (750 căn hộ). Sở vẫn đang tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư dự án NƠXH phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình phát triển nhà ở đã được Chính phủ phê duyệt” – đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Nguồn cung NƠXH trên địa bàn Thủ đô thiếu hụt (trong hình là dự án NƠXH tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh). 
Theo dự báo, trong thời gian tới sự “lệch pha” về cơ cấu sản phẩm giữa NƠXH và nhà ở thương mại trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp diễn với mức chênh lệch được kéo rộng hơn, bởi trong số 1.603.007m2 sàn nhà ở được Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận đủ điều kiện bán hàng trong tương lai đa phần là thuộc các dự án nhà ở thương mại.
Sản phẩm tồn khó thanh khoản
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, mặc dù có sự chênh lệch lớn về nguồn cung giữa sản phẩm NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2 – PV) với phân khúc trung – cao cấp. Nhưng phân khúc trung – cao cấp tại thị trường Hà Nội ghi nhận tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, cụ thể: tính riêng trong quý III/2020 lượng giao dịch chỉ đạt 15,7% so với quý III/2018 và 28,1% so với quý III/2019. Nếu như giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, thì phân khúc bình dân giá lại tăng nhẹ khoảng 3 - 5%.
Trong khi đó, lượng cung mới từ các dự án BĐS tại Hà Nội, rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân, tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2021. Sản phẩm phân khúc trung và cao cấp sẽ tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ .
“Càng về cuối năm, thị trường BĐS trên phạm vi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Nhưng xuất hiện nhiều sản phẩm tồn kho, khó bán trên thị trường chủ yếu đến từ những dự án căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, giá bán cao, không ở vị trí đắc địa, không nằm trong lõi trung tâm thành phố; Biệt thự có tổng giá trị lớn; dự án xây dựng giá bán không hợp lý, cao hơn giá trị của thị trường; dự án không đảm bảo chất lượng (hạ tầng giao thông – xã hội – dịch vụ), cảnh quan, môi trường…” – ông Nguyễn Văn Đính nhận định.