Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhà hàng, quán ăn “đắt khách” khi chuyển bán online

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Công điện số 15 và 16 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các cửa hàng dịch vụ ăn uống đã đồng loạt đóng cửa, chỉ bán hàng mang về. Dịch bệnh đã khiến loại hình dịch vụ này gặp không ít khó khăn.

Hàng quán đìu hiu
Những ngày này, các cửa hàng dịch vụ ăn uống đều đồng loạt treo biển chỉ bán mang về, tuy nhiên doanh thu giảm mạnh.
Anh Nguyễn Văn Sơn - chủ cửa hàng phở Cồ Sơn trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) chia sẻ, mặc dù UBND TP cho phép bán mang về nhưng lượng khách giảm đến 40 - 50%. “Trước đây, mỗi ngày cửa hàng bán ra 100 - 150 bát phở, thu về 5 - 6 triệu đồng, nhưng nay có ngày bán được 2 - 3 triệu, có ngày chỉ được 200 - 300 nghìn đồng, trừ chi phí nhân công, nguyên liệu thì không có lãi. Nếu dịch bệnh không thuyên giảm, thời gian sắp tới, tôi sợ không cầm cự nổi" - anh Sơn nói.
Không chỉ anh Sơn mà hầu hết các quán ăn, cà phê cũng trong tình trạng tương tự. Chị Yến, chủ một quán cà phê trên đường Thanh Niên (quận Ba Đình) tâm sự, quán cà phê ngoài phục vụ đồ uống còn cung cấp điểm ngắm cảnh, không gian cho khách hàng. Cho nên, bán hàng mang về là bất đắc dĩ, hiện mỗi ngày chị chỉ gom được 15 - 20 đơn hàng.
 Cửa hàng bánh mì số 5 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo chia sẻ của các chủ tiệm, nguyên nhân khiến khách hàng không hào hứng mua đồ ăn mang về là do đồ ăn nóng khi mang về nhà sử dụng thì đã nguội. Thêm vào đó, khách hàng cũng ngại ra tận nơi mua vì lo ngại Covid-19. Mặt khác, dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm khiến kinh tế bị ảnh hưởng, việc chi tiêu cũng đang dần được thắt chặt theo hướng chuyển từ ăn quán sang ăn ở nhà.
Phân tích lý do khiến dịch vụ bán hàng mang về chưa thu hút người tiêu dùng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, quán cà phê, quán ăn là loại hình dịch vụ tại chỗ. “Khách hàng đến quán cà phê không phải vì thiếu một cốc cà phê hay một cốc sinh tố, mà họ đến để tìm không gian trải nghiệm, gặp gỡ trao đổi công việc. Vì vậy, việc bán mang về khó có thể thu hút được nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ”, ông Phùng Quang Thắng phân tích.
 Cửa hàng Khoa Ngan, 77 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tìm “lối thoát” theo hướng chuyển đổi số
Theo các chuyên gia kinh tế, để duy trì hoạt động kinh doanh, các cửa hàng ăn uống, giải khát nên đẩy mạnh bán hàng online, qua đó tiếp cận khách hàng tốt hơn. Đây chính là "phao cứu sinh" dịch vụ ăn uống, giải khát trong dịch Covid-19.
Nói về lợi ích từ hoạt động bán hàng online mang lại, chủ quán cơm rang Đức Hạnh trên phố Mã Mây thông tin, hình thức bán hàng mang về không thu hút người tiêu dùng nhưng bù lại nhiều người đặt mua online tăng mạnh, hiện thu nhập của quán chủ yếu dựa vào đơn hàng online.
Anh Hùng - một chủ quán bún ốc trên phố Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, trước đây chủ yếu bán hàng trực tiếp, không bán hàng online, nhưng dịch Covid-19 khiến lượng khách hàng giảm sút. "Để thu hút khách, tôi đã đăng ký bán trên ứng dụng Now và kết hợp bán mang về nên lượng khách khá ổn định, trung bình mỗi ngày cũng bán được 70 - 80 bát bún ốc", anh Hùng chia sẻ.
 Cửa hàng phở 40 Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart Khúc Tiến Hà cho biết, việc đưa ra nhiều kênh mua sắm trên điện thoại như qua ứng dụng, gọi điện đến siêu thị gần nhất và trên website, sàn thương mại điện tử (TMĐT)... giúp khách hàng có thể mua sắm qua nhiều kênh khác nhau, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm thanh toán bằng tiền mặt. “Từ ngày 18/7 đến nay, hệ thống siêu thị Vinmart đã nhận lượng đơn đặt hàng online tăng gấp 2 lần sau khi UBND TP Hà Nội triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”, Khúc Tiến ông Hà nêu ví dụ.
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải, hiện việc sử dụng smartphone đã phổ biến, nên bán hàng online trên nền tảng ứng dụng TMĐT sẽ là giải pháp giúp kết nối người tiêu dùng với các cửa hàng ăn uống.
 Cửa hàng cà phê giải khát trên phố Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

“Năm 2020 - năm đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 đã có 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến. Thị trường TMĐT Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18%, trị giá 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy thói quen mua sắm của người Việt đang dần thay đổi, thích ứng với xu hướng mới”, ông Đặng Hoàng Hải dẫn chứng.
Đồng tình với ý kiến này, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) Nguyễn Bình Minh cho rằng, người tiêu dùng trong dịch Covid-19 hạn chế mua sắm tại chợ, đẩy mạnh mua hàng qua giao dịch online là cơ hội cho DN, tiểu thương chuyển đổi hình thức bán lẻ truyền thống sang TMĐT, qua đó nâng cao thị phần trong cơ cấu doanh thu bán lẻ.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, trong bối cảnh Covid-19 kéo dài, công nghệ 4.0 lên ngôi được xem là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho loại hình dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải khát, đồng thời là biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, an toàn.