Tại lễ bàn giao, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nêu rõ quá trình triển khai phương án bảo quản, chế tác và phát huy mẫu vật rùa Hồ Gươm. Cụ thể công việc chế tác mẫu rùa Hồ Gươm đã được thực hiện trong thời gian hơn 2 năm. Cụ rùa được bảo quản theo phương pháp nhựa hóa. Đây là phương pháp chế tác hiện đại nhất trên thế giới. Phương pháp này bảo quản mẫu vật tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn) đảm bảo mẫu vật sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền cao. Trong quá trình chế tác, nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó là loại nhựa đặc biệt thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ được nguyên hình dáng cấu trúc. Trước đó, cá thể rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. GS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoaa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: rùa hồ Hoàn Kiếm có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay và được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở hồ Gươm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thứ quận uỷ quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng,việc trưng bầy, bảo quản mẫu vật rùa Hồ Gươm tại di tích lịch sử đền Ngọc Sơn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy giá trị tâm linh và bảo tồn di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm-đền Ngọc Sơn, hoạt động không gian phố đi bộ cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học, thăm quan của du khách trong và ngoài nước.