Thông tin cho biết tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 3/9.
Với mục đích bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích và hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày, tương tác tại các điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội và trên phố Bích họa Phùng Hưng.
Các hoạt động này góp phần làm phong phú và kết nối các không gian hoạt động chào mừng Tết Trung thu truyền thống 2019 tại khu Phố cổ Hà Nội như: Chợ Trung Thu truyền thống phố Hàng Mã và không gian bích họa phố Phùng Hưng.
Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, lễ khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2019 sẽ được diễn ra vào 19 giờ ngày 6/9 tại Phố tranh Bích họa Phùng Hưng (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm). Sau lễ khai mạc, một loạt các hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2019 sẽ được diễn ra.
Tại Đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) sẽ giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống. Tại đây, các nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian gồm: Các loại đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, nghệ thuật tò he. Tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây, phường Hàng Buồm) sẽ giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội, giới thiệu bộ ảnh Trung Thu Phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam). Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) sẽ hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Vẽ mặt nạ, vẽ đèn tre, làm bưu thiếp và vẽ trên giấy dó, làm đèn con thỏ, vẽ con cá bằng gỗ.
Cùng đó, tại Không gian văn hóa Phố Bích họa Phùng Hưng sẽ diễn ra các hoạt động sắp đặt các gian hàng giới thiệu về đồ chơi, các nghệ nhân và thợ thủ công hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy do thợ thủ công Vân Canh (huyện Hoài Đức) thực hiện; đèn kéo quân do nghệ nhân xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) thực hiện; tàu thủy bằng sắt tây do thợ thủ công ở Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) thực hiện… Thời gian diễn ra các hoạt động từ 19 – 22 giờ ngày 6/9, từ 9 – 22 giờ ngày 7/9 và 8/9. Tổ chức không gian vui chơi dành cho thiếu nhi như: Ô ăn quan, cướp cờ, đánh truyền diễn ra trong 2 ngày 7 – 8/9. Tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống từ 16 giờ 30 – 22 giờ ngày 6/9 và từ 19 giờ 30 – 21 giờ ngày 7/9 và ngày 8/9.
Ngoài ra, các hoạt động biểu diễn trong tuyến phố đi bộ Khu Phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra từ 20 – 22 giờ ngày 13/9 với các hoạt động biểu diễn rối cạn Tế Tiêu trước cửa Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội; biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại phục vụ thiếu nhi tại các điểm Đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm; Ngã 3 Lương Ngọc Quyến – Hàng Giày; Đền Hương Tượng (64 Mã Mây); Ngã 5 Đồng Thái – Mã Mây – Hàng Buồm – Đào Duy Từ…