Hà Nội: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật An ninh mạng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (6/3) tại trụ sở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội diễn ra Hội nghị Lấy ý kiến vào các dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật An ninh mạng, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIV. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai và Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Doãn Anh đồng chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) gồm 7 chương, 42 điều, quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, lực lượng vũ trang Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 51 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và nguyên tắc, nội dung, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai đồng chủ trì hội nghị
Tại Hội nghị, đã có 13 ý kiến đại diện cho nhiều cơ quan như Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Tư pháp, Hội Luật gia TP, Đoàn Luật sư Hà Nội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội… đóng góp vào 2 dự thảo Luật, chủ yếu tập trung vào các nội dung lớn đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trong đó, về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), đa số thống nhất cao với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật Quốc phòng (cũ), về cơ bản đã kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật này.

Hầu hết ĐB đánh giá, những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này đã được quy định chặt chẽ, chi tiết và rõ ràng hơn; vừa khái quát, vừa cập nhật tình hình thế giới, trong khu vực và trong nước, quy định rõ trách nhiệm của T.Ư và địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ.

Đáng chú ý, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đảm bảo tính kế thừa, chặt chẽ, khoa học, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyên đề nghị ban soạn thảo lưu ý tại Chương I, Điều 3: Ở Khoản 5, các cụm từ “chiến lược quốc phòng”, “chiến lược quân sự”, “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” không nên đưa vào Luật, vì những chiến lược này chính là cụ thể hóa của chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Ở Khoản 9, 10, nên sắp xếp lại, đưa cụm từ “tình trạng quốc phòng” trước cụm từ “tình trạng chiến tranh”, cho phù hợp với các tình huống xảy ra.

Ở Chương 4, Điều 26 Khoản 1, ĐB đề nghị bổ sung cụm từ “quân sự và bộ đội biên phòng”, bởi: QĐND Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự, gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, trong đó lực lượng thường trực có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng.

Đại diện Công an TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Thế Hải bày tỏ đồng tình cao với các ý kiến, song đề nghị Luật Quốc phòng (sửa đổi) cần giải thích, phân biệt rõ hơn giữa các khái niệm “hoạt động quốc phòng” và “nhiệm vụ quốc phòng”.
 Các ĐB đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đối với dự thảo Luật An ninh mạng, tại Hội nghị có nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm, nội dung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Các ĐB khẳng định, việc xây dựng các quy định pháp luật về an ninh mạng và ban hành văn bản Luật là rất cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng, hiện Quốc hội đã ban hành các Luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật cơ yếu, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử…, nên để tránh chồng chéo, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, rà soát kỹ dự thảo Luật An ninh mạng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lặp các quy định đã có trong nội dung những văn bản pháp luật hiện hành.

Một số ý kiến cũng nhận định, vai trò, chức năng của Bộ Quốc phòng chưa được thể hiện rõ trong dự thảo này, trong khi, Bộ Quốc phòng đã có riêng một Bộ Tư lệnh tác chiến mạng, và lực lượng chuyên trách của Bộ Quốc phòng về vấn đề an ninh mạng rất lớn. Theo ĐB đến từ Hội Luật gia TP Hà Nội, nội dung Luật An ninh mạng nên “xoáy” vào vấn đề an ninh trên không gian mạng, để không trùng lắp với Luật An toàn thông tin mạng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Thắng-Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho rằng: Chúng ta đã có Luật An toàn thông tin mạng, nên trong Luật An ninh mạng cần bóc tách các thuật ngữ về “an ninh mạng” và “an toàn thông tin mạng” cho tránh chồng chéo nội hàm giữa hai Luật. Hiện nay, đúng là rất cần ban hành một bộ luật để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng nói chung, song nên tránh chồng lấn, vì Luật An toàn thông tin mạng đã bao gồm khá nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, xử lý kỹ thuật không gian mạng…

Phát biểu tại đây, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai ghi nhận ý kiến của các ĐB. Đồng thời cho biết Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ khẩn trương tổng hợp báo cáo Ủy viên Thường vụ Quốc hội theo quy định. Vì vậy, ngoài những ý kiến trực tiếp tại hội nghị, đề nghị các ĐB tiếp tục có góp ý gửi về Văn phòng Đoàn, để Đoàn tiếp tục tổng hợp và cung cấp tới các ĐB trong Đoàn, nhằm có thêm thông tin góp ý tại kỳ họp thứ Năm tới đây, trước khi xem xét quyết định 2 dự án luật rất quan trọng này. 

Kinh tế đô thị cuối tuần