Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Một trong những nội dung đáng chú ý của Kết luận số 80 là phấn đấu trước năm 2035, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập...
Những thách thức cho bài toán chống úng, ngập
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế tăng; Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hàng năm, trong các tháng cao điểm mưa có xu hướng tăng dần từ 5 - 10%...
Theo nhận định, trong những năm tiếp theo, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn kèm theo đó là những trận mưa bất thường, không theo quy luật có thể xảy ra.
Ngoài yếu tố thời tiết, hiện nay, nhiều dự án thoát nước đã hoàn thành thi công nhưng chưa thanh thải, bàn giao, tiếp nhận đưa vào quản lý khai thác sử dụng; nhiều dự án đang triển khai thi công với thời gian kéo dài, dự án có nhưng triển khai chậm.
Các trạm bơm điều tiết hồ trong lưu vực thoát nước được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp tiềm ẩn nhiều sự cố đột xuất, bất thường; Hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ được đầu tư xây dựng từ những năm 1954 đến nay đã xuống cấp, sụt lún gây mất an toàn…
Bên cạnh đó, nhiều hồ điều hoà trong các khu đô thị do các chủ đầu tư khai thác quản lý vận hành với mục đích tạo cảnh quan, kinh doanh chưa liên kết với hệ thống thoát nước của khu vực, chưa được kết nối với hệ thống thoát nước của thành phố; Tốc độ đô thị hoá nhanh trong khi các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm bơm đầu mối, các hồ trong khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Quá trình triển khai dự án đầu tư các khu đô thị chưa chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, hồ điều hoà, cây xanh thảm cỏ và chưa sử dụng các vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm nước dẫn đến nước xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung gây quá tải… ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thoát nước của Thủ đô.
Đẩy mạnh số hoá trong hệ thống thoát nước
Ông Trịnh Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng có thể xảy ra, cùng với việc tăng cường kiểm tra, ứng trực để kịp thời giải quyết các điểm ngập úng, đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều hành, giải quyết thoát nước theo hướng phát triển công nghệ số; Xây dựng bản đồ số quản lý các điểm úng ngập trên địa bàn…
Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội kiến nghị thành phố Hà Nội ban hành quy định liên kết các hồ điều hoà trong công viên, khu đô thị với hệ thống thoát nước; giao nhiệm vụ đối với các sở, ban, ngành triển khai công tác khảo sát, xây dựng số hoá bản đồ nền để làm cơ sở giao các đơn vị quản lý triển khai, số hoá đồng bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát việc thực hiện quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xây dựng đề án thành phố nước thông minh.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng và cải tạo đồng bộ hệ thống thoát nước lưu vực tả, hữu Nhuệ; sớm đưa vào sử dụng các dự án, tuyến thoát nước đã hoàn thành thi công xây dựng, đặc biệt là các công trình cống hoá các tuyến mương của dự án thoát nước; khẩn trương thanh thải hệ thống thoát nước, các tuyến cống hoá mương, các hạng mục thoát nước đã hoàn thành, thực hiện công tác bàn giao quản lý, duy trì sau đầu tư theo phân cấp phục vụ thoát nước đô thị…
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Minh Hải – Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thuỷ lợi cho rằng, cùng với việc dành nguồn lực xây dựng hạ tầng hệ thống thoát nước, Hà Nội cần ưu tiên việc xây dựng nền tảng số cảnh báo sớm ngập lụt để cảnh báo cho người dân những khu vực bị ngập úng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thoát nước, đặc biệt là các tuyến ngầm để kịp thời khắc phục sửa chữa những hư hỏng trên hệ thống mà con người khó tiếp cận, xử lý được.
Ngoài ra, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần xây dựng Luật Quản lý nước mưa. Cụ thể, khi có các hoạt động làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì chủ đầu tư phải có giải pháp để không làm tăng lưu lượng nước mưa chảy ra hệ thống thoát nước. Chủ đầu tư muốn xây dựng chung cư, khu đô thị phải có giấy phép thoát nước mưa… và coi đây là điều kiện kiên quyết, bắt buộc để đảm bảo hiệu quả của công tác thoát nước của Thủ đô một cách bền vững.