Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nới giãn cách, nhiều chuỗi F&B vẫn "cửa đóng, then cài"

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã cho phép các cửa hàng kinh doanh ăn uống được mở cửa hoạt động trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) vẫn đóng cửa dừng hoạt động, hoặc thu hẹp chuỗi cửa hàng bởi lượng khách hàng giảm sút. Để khôi phục, tồn tại hậu Covid-19 những doanh nghiệp này cần thích nghi với hoàn cảnh mới.

Nhiều chuỗi F&B dừng hoạt động
Trên Fanpage hệ thống cửa hàng đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden đã ngưng cập nhật thông tin mới. Trên các ứng dụng giao đồ ăn như Baemin người dùng cũng không thể đặt hàng online, bởi tất cả cửa hàng Soya Garden đều "chưa mở cửa". Đại diện Soya Garden thông tin, hiện chưa mở cửa các cửa hàng và thời gian tới sẽ phục vụ nhưng không có ngày chính xác.
Khách hàng tại nhà hàng ẩm thực Sumo BBQ. Ảnh minh họa
Không chỉ Soya Garden tạm dừng hoạt động, nhiều chuỗi F&B cũng trong tình trạng tương tự. Thương hiệu nhà hàng ẩm thực Nhật Bản Tokyo Deli  vừa thông báo đóng cửa cơ sở tại Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân). Trước đó, tháng 6/2020 thương hiệu này đã dừng hoạt động cơ sở D2 Giảng Võ (Đống Đa). Đến nay tại Hà Nội, hệ thống nhà hàng Nhật Bản Tokyo Deli  chỉ còn 2 nhà hàng tại Times City và N04 Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy).
Trong khi đó, chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam Golden Gate với hàng loạt thương hiệu ẩm thực Kichi Kichi, Sumo BBQ, Vuvuzela... đã đóng cửa 400 nhà hàng tại 45 tỉnh, thành.
Lý giải nguyên nhân khiến hầu hết hệ thống nhà hàng ẩm thực, đồ uống dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, Giám đốc điều hành Redsun Nguyễn Nam Trung (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng ẩm thực ThaiExpress, King BBQ) cho biết, trong thời gian Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, hệ thống nhà hàng đã dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả phí thuê mặt bằng kinh doanh.
Trước sức ép trả tiền thuê mặt bằng và sự lo ngại sau dịch kết thúc thì nhu cầu ăn uống giảm đã khiến doanh nghiệp thu hẹp hệ thống nhà hàng, chấp nhận bỏ đi kinh phí đầu tư mở rộng hệ thống kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến này, chủ quán miến lươn Đông Thịnh trên phố Hàng Điếu cho biết, nhiều quán ăn khu vực phố cổ đã mở cửa bán hàng nhưng sau đó lại tiếp tục nghỉ bán. Nguyên nhân là do chi phí cố định không thay đổi, nhưng lượng khách giảm sút đáng kể, doanh thu chỉ bằng 20% so với ngày thường, thu không đủ bù chi.
Xoay trục để tìm cách sống
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Covid-19 khiến các doanh nghiệp F&B thu hẹp chuỗi nhà hàng ăn uống, nhưng cũng thúc đẩy thị trường tiêu dùng trực tuyến gia tăng mạnh mẽ. Do đó, để tìm “chìa khóa” cạnh tranh và thích ứng với tình hình mới đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp thực tế.
Chủ cửa hàng bánh trung thu cổ truyền Ninh Hương (22 Hàng Điếu) Trịnh Bích Hằng chia sẻ, những năm trước Ninh Hương chủ yếu đón khách mua trực tiếp. Tuy nhiên TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên Ninh Hương không thể duy trì điều này. Để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, cửa hàng thay đổi cách tiếp cận khách hàng thông qua thương mại điện tử,  tương tác nhiều hơn với khách qua fanpage, zalo để mua hàng online.
Tương tự, chủ chuỗi 9 nhà hàng Koh Yam Thai Nguyễn Hà Linh cũng cho rằng, Covid-19 vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để đơn vị định hình lại thương hiệu. “Chúng tôi tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để nâng cấp thương hiệu và diện mạo của các nhà hàng. Đến khi mở cửa trở lại sẽ đón thực khách với những trải nghiệm mới, bởi xu hướng tiêu dùng của khách hàng sau dịch Covid-19 có sự thay đổi nhất định”- bà Linh nói.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nuno F. Ribeiro - Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn (Đại học RMIT cơ sở Nam Sài Gòn) nêu rõ, trước đây đa phần nhà hàng, quán cafe phát triển theo hướng offline, ít chú trọng đến bán hàng online. Nhưng để tồn tại trong dịch Covid-19 doanh nghiệp ngành F&B đã thay đổi chiến lược kinh doanh thông qua việc tối ưu kênh trực tuyến, bán hàng online đáp ứng xu hướng thay đổi của người tiêu dùng trong thời gian giãn cách chống dịch Covid-19.
Cửa hàng Starbucks trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa).
“Starbucks Việt Nam cũng nhờ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến mà doanh thu từ mảng giao hàng đã tăng 50% so với mức doanh thu bình quân hàng tháng. Chuỗi Pizza Home cũng thành công bằng việc đáp ứng nhu cầu ăn uống tại nhà với 2 nhóm “có thể ăn ngay” và “có thể nấu ngay”, qua đó cung cấp nguyên liệu cho khách hàng tự chế biến tại nhà”- chuyên gia Ribeiro nêu ví dụ.
Đồng tình với phân tích này, Phó Trưởng khoa Du lịch (Đại học Mở Hà Nội) chia sẻ, Covid-19 khiến đa phần khách hàng đặt mua đồ ăn thông qua các ứng dụng điện tử. Đây là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà bùng nổ trên thế giới trong suốt vài năm qua. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tận dụng kênh bán hàng cả offline và online thông qua các nền tảng số để tăng doanh thu sẽ là hướng đi khôn ngoan trong thời gian tới đối với doanh nghiệp F&B.
Ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy mặc dù Covid-19 đã gây khó khăn cho doanh nghiệp F&B, nhưng cũng là dịp để các đơn vị này tìm ra những hướng đi mới phù hợp nhu cầu thị trường qua đó tồn tại phát triển bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.

Các doanh nghiệp F&B muốn  hồi phục thời kỳ hậu Covid-19 cần thay đổi nhận thức, có tư duy và chiến lược mới. Trong đó cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu theo hướng tăng liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân-doanh nghiệp tạo ra vùng nguồn nguyên liệu ổn định. Đặc biệt cần đẩy mạnh đa dạng hóa, hiện đại hóa các kênh phân phối. Mỗi nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm cần xác định kênh phân phối phù hợp nhất cho mình và thị trường doanh nghiệp đang khai thác.

TS Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT cơ sở Nam Sài Gòn)