Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nông dân “đội nắng” xuống đồng đầu Xuân

Trọng Tùng - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, dù không khí vui Xuân vẫn còn rộn ràng trên khắp những nẻo đường quê, tuy nhiên, bà con nông dân tại nhiều địa phương đã tranh thủ thời tiết nắng ấm, tích cực xuống đồng sản xuất vụ Xuân.

Áp dụng cơ giới hóa trong làm đất tại xã Quang Tiến
Tích cực lấy nước, đổ ải, làm mạ, gieo cấy

Mới hơn 7 giờ sáng, nắng đã chan hòa trên những cánh đồng xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Bà con nông dân - mỗi người một việc, tích cực lấy nước, đổ ải, làm mạ, gieo cấy. Với tổng diện tích canh tác vụ Xuân lên tới 9.500ha, huyện Sóc Sơn là một trong 2 địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất toàn TP năm 2019. Những năm qua, nhờ tiến bộ cơ giới hóa, việc sản xuất của bà con nông dân huyện Sóc Sơn nói riêng, trên địa bàn TP nói chung đã bớt phần vất vả. Tuy nhiên, đối với nhiều diện tích canh tác vùng đồi gò, việc gieo cấy lúa hiện vẫn phải thực hiện thủ công.
Bên cạnh cây lúa, nhiều bà con cũng nhanh tay thu hoạch sản lượng cây vụ Đông để lấy mặt bằng canh tác lúa. Bà Đỗ Thị Lanh ở xã Thanh Xuân cho biết, năm nay, gia đình trồng 3 sào khoai lang. Thu hoạch cho năng suất rất tốt. “Trong sáng nay, vợ chồng tôi sẽ thu hoạch hết khoai lang để lấy nước, chuẩn bị gieo cấy lúa cho kịp thời vụ…” - bà Lanh nói.
Cùng với huyện Sóc Sơn, bà con nông dân các quận, huyện, thị xã có gieo cấy lúa vụ Xuân cũng gác lại những ngày vui, tích cực xuống đồng sản xuất. Cùng với sự chủ động, tích cực của hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành thủy lợi, đến nay, tổng diện tích canh tác vụ Xuân 2019 trên địa bàn TP đã có nước đạt trên 64.000ha (bằng khoảng 66% kế hoạch gieo cấy). Cùng với đó, tổng diện tích làm đất và gieo cấy lúa cũng đã đạt lần lượt khoảng 53% và 14%.

Bên cạnh gieo cấy lúa, bà con nông dân các vùng sản xuất chuyên canh cũng tích cực xuống đồng sản xuất vụ Xuân 2019. Tại vựa hoa huyện Mê Linh, những cành hoa cúc, hoa hồng đang được bà con chăm sóc để chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho những ngày lễ lớn sắp tới như: Ngày lễ tình nhân (14/2), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Rằm tháng Giêng, hay Tết Thanh minh (tháng 3 Âm lịch)…

Nông dân xã Quang Tiến lấy nước vào đồng ruộng

Tại huyện Đông Anh, vùng chuyên canh rau lớn nhất nhì TP, hàng trăm bà con cũng khẩn trương thu hoạch rau màu cung cấp cho nhu cầu tăng cao của người dân sau những ngày vui Tết. Tất bật, hối hả nhưng cũng đầy hy vọng, đó là khí thế sản xuất chung có thể cảm nhận được khi đi qua những cánh đồng mùa Xuân. Hơn ai hết, bà con nông dân các địa phương rất kỳ vọng vào một năm mưa thuận gió hòa, để thu về những vụ mùa bội thu.

Toàn TP đã gieo cấy được gần 13.000ha lúa Xuân

Sáng mùng 4 Tết, dù âm hưởng của những ngày xuân chưa dứt nhưng cánh đồng thuộc xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đã trở lên đông vui hơn thường nhật. Tranh thủ thời tiết ấm áp, người nông dân nơi đây không ai bảo ai, rục rịch kéo ra đồng làm đất, cấy lúa.

Đốc Tín là một trong những xã trọng điểm gieo cấy lúa hàng hóa của huyện Mỹ Đức với giống lúa Nhật JO2 có liên kết DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Do đó, từ trước Tết Nguyên đán, xã đã tiến hành gieo cấy xong diện tích lúa JO2 gọn vùng theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, do đặc thù riêng nên một số xã trên địa bàn huyện như: Hương Sơn (có lễ hội chùa Hương), An Mỹ (giep sạ 100% diện tích) nên cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa Xuân từ trước Tết Nguyên đán, đạt trên 80% diện tích. Vì vậy, ngay sau những ngày vui Tết, đón Xuân, hiện nay, nông dân đang xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa.
Người dân huyện Mỹ Đức xuống đồng cấy lúa.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, vụ Xuân 2019, Mỹ Đức gieo cấy 7.500ha lúa Xuân, trong đó giống lúa chất lượng chiếm 20% cơ cấu giống. Tính đến hết ngày 4/2 (tức ngày 30 Tết) toàn huyện đã gieo cấy được 15% diện tích. Mặc dù lịch xuống đồng là 12/2 (tức mùng 8 Tết), song từ hôm nay (mùng 4 Tết), nông dân trên địa bàn đã tích cực xuống đồng.

Đáng chú ý, nhờ được che phủ nilon chống rét và thời tiết thuận lợi, ấm áp nên mạ sinh trưởng tốt. Một số xã đã đề xuất xin cấy trước từ 2 - 3 ngày so với lịch xuống đồng vào ngày 12/2. Huyện phấn đấu gieo cấy vụ xuân xong trước ngày 28/2/2019.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 7/2, toàn TP đã gieo cấy được gần 13.000ha lúa Xuân đạt trên 13% kế hoạch. Một số huyện, thị xã có diện tích cấy lúa Xuân đạt cao là Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức... Theo kế hoạch, toàn TP sẽ hoàn thành gieo cấy lúa Xuân trong tháng 2/2019.

Đối với những địa phương có diện tích lúa gieo cấy trước Tết Nguyên đán, Sở NN&PTNT Hà Nội đã khuyến cáo nông dân đón Tết nhưng phải thường xuyên thăm đồng ruộng, theo dõi, chăm sóc lúa xuân để kịp thời xử lý những phát sinh.

Nhằm khuyến khích nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy cũng như chăm sóc lúa Xuân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương vận hành tốt, cung cấp đầy đủ nước tưới dưỡng đảm bảo ngập chân mạ. Bên canh đó, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kĩ thuật trong chăm sóc lúa để đảm bảo cho cây lúa bén dễ nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Dưới đây là một số hình ảnh bà con nông dân “đội nắng” xuống đồng sản xuất vụ Xuân 2019 mà phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi lại tại các huyện ngoại thành Hà Nội vào sáng mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019:

Phần lớn các ruộng cấy đã được lấy nước, đổ ải để chuẩn bị cấy.
Người dân xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức chuẩn nhổ mạ.
Nông dân ''đội nắng'' gieo cấy lúa tại huyện Sóc Sơn.
Hà Nội: Nông dân “đội nắng” xuống đồng đầu Xuân - Ảnh 7
Thu hoạch cây vụ Đông tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Người dân mua khoai lang ngay tại ruộng cho bà con nông dân xã Thanh Xuân.
Vụ Đông năm nay, khoai lang được mùa.
Chăm sóc, thu hoạch hoa hồng tại huyện Mê Linh.