Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nông dân thấp thỏm “phiêu lưu” cùng vụ hoa Tết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán đang đến gần, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến những người trồng hoa, cây cảnh không khỏi lo lắng, thấp thỏm. Để hạn chế rủi ro, nông dân Hà Nội đã kịp thời có những điều chỉnh kế hoạch sản xuất, linh hoạt thích ứng với thị trường.

Vừa làm, vừa lo
Không khí sản xuất ở khắp các vùng trồng hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn Hà Nội những ngày này đang khá tất bật, khẩn trương. Để hoa phát triển tốt, nở đúng dịp Tết, các nhà vườn tăng cường chăm sóc bằng nhiều biện pháp như làm nhà lưới, thắp điện… Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tất cả nông dân đều chung tâm trạng vừa làm vừa lo về đầu ra cho sản phẩm.
Theo các chủ vườn, năm nay mọi chi phí như nhân công, vật tư, phân bón, giống… đều tăng giá hơn so với mọi năm, nên việc đầu tư trồng hoa, cây cảnh Tết giống như một chuyến phiêu lưu mạo hiểm.
 Nông dân đang tập trung tuốt lá cho đào Tết
Xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng là một trong những vùng trồng đào, quất mới ở Hà Nội, với tổng diện tích khoảng 15ha. Thời điểm này, nông dân đang tích cực tuốt lá, ro tán cho đào.
Anh Nguyễn Văn Hữu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Hà, đồng thời cũng là một trong những hộ trồng đào lớn ở địa phương cho biết, năm nay thời tiết thuận, nên dự báo sẽ có một vụ đào Tết được mùa. Tuy nhiên, người trồng đào, quất vẫn không hết lo, bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Dư âm vụ đào Tết năm 2021 vẫn ám ảnh người dân nơi đây, bởi có nhiều hộ lỗ hàng trăm triệu đồng, cùng hàng ngàn gốc đào không tiêu thụ được vì Covid-19” – anh Hữu chia sẻ.
Xã Đồng Tháp cũng là một vùng chuyên sản xuất hoa lớn của huyện Đan Phượng. Tại đây hiện đang canh tác 25ha hoa đồng tiền. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Cường, vào những lúc cao điểm, mỗi ngày địa phương cung ứng ra thị trường 1 vạn bông hoa. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoa không tiêu thụ được, nên nhiều hộ phải cắt bỏ hoa và bỏ lứa. Thời điểm này, các hộ dân đang tích cực chăm sóc phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên trước sự bất ổn của thị trường, bà con sản xuất cầm chừng, sản lượng dự kiến chỉ đạt 60% so với mọi năm.
Tại vùng sản xuất hoa, cây cảnh Tích Giang, huyện Phúc Thọ những ngày này không khí sản xuất, mua bán đang khá tấp nập. Tuy nhiên, theo chia sẻ của hầu hết các chủ vườn, để giảm rủi ro, các vườn đều chủ giảm sản lượng khoảng 40 - 50%.
Anh Hoàng Văn Trào - chủ một cơ sở sản xuất hoa, cây cảnh lớn tại xã Tích Giang chia sẻ, năm qua thực sự là năm khó khăn với người trồng hoa, bởi giá mỗi bao phân lên ít nhất 10-20%, hạt giống, cây giống cũng tăng từng ngày, trong khi thị trường phập phù vì Covid-19. Chính vì thế mà vụ hoa Tết năm nay nhiều nhà vườn không đầu tư mạnh như trước. “Thời điểm này, các mối hàng quen đã bắt đầu đến lấy hàng tỏa đi các nơi, nhưng họ cũng nhập hàng cầm chừng, vừa lấy vừa nghe ngóng thị trường, nên số lượng hàng xuất đi giảm khoảng 40% so với cùng kỳ mọi năm” – anh Trào cho hay.
Linh hoạt điều chỉnh sản xuất
Để giảm rủi ro, nhiều người trồng hoa đã linh hoạt chuyển đổi mô hình và chủ động kế hoạch sản xuất. Không còn chạy theo số lượng, nhiều nông dân tập trung vào hiệu quả, chất lượng sản phẩm, kịp thời nắm bắt thị trường để canh tác loại hoa, cây cảnh phù hợp thị hiếu và mức chi tiêu của người tiêu dùng dịp Tết. Kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Mặc dù chi phí tăng, nhưng theo một số nhà vườn, giá hoa, cây cảnh năm nay cũng không tăng nhiều vì người dân đa số thu nhập eo hẹp, chi tiêu sẽ dè dặt hơn.
 Nông dân linh hoạt điều chỉnh rải vụ trước và sau Tết Nguyên đán
Chị Nguyễn Thanh Loan, tổ dân phố Thượng 2, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, mặc dù biết đầu tư vụ hoa Tết là phiêu lưu cùng thị trường nhưng ở Tây Tựu, không ai bỏ nghề. Bởi dịp Tết, nhu cầu về các loại hoa vẫn khá cao. Tuy vậy, về cơ cấu giống, các gia đình cũng có sự cân nhắc, tính toán. Thay vì sản xuất những giống hoa chi phí cao như hoa ly, dơn… thì năm nay nhiều hộ dân chuyển sang các loại cúc, hồng để hạn chế rủi ro.
Cũng để hạn chế rủi ro, gia đình anh Hoàng Văn Trào ở xã Tích Giang, Phúc Thọ linh hoạt chuyển đổi sang các loại hoa dài ngày, thay vì chuyên hoa ngắn ngày như trước. “Nếu như năm trước gia đình tôi sản xuất 60.000 chậu hoa đồng tiền thì năm nay chỉ làm 20.000 chậu; Dạ Yến Thảo giảm từ 6.000 chậu xuống còn 4.000 chậu; hay Ngọc Thảo chỉ làm 20.000 chậu, giảm 30%. Thay vào đó, tôi tăng cường sản xuất mẫu đơn, mộc” – anh Trào chia sẻ.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, toàn huyện Phúc Thọ hiện có 180ha hoa, cây cảnh. Để đảm bảo tiêu thụ hoa tốt, huyện đã khuyến cáo người dân rải vụ ra nhiều đợt trồng, chuyển đổi sang trồng các loại hoa dài ngày, chi phí thấp. Đi đôi với đó, huyện tăng cường hỗ trợ nông dân các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích nông dân gieo trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng hoa..
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, dù kinh tế có khó khăn, song nhu cầu sử dụng hoa tươi ngày Tết vẫn sẽ rất cao. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đối với các loại hoa cắt cành, người dân nên rải vụ để có sản phẩm thu vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Về phía Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với sở ngành liên quan, chính quyền địa phương mở các diễn đàn, các chợ thương mại điện tử, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi trong giao thương buôn bán… để giúp chuỗi cung ứng hoa ra thị trường được đảm bảo.