Ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều năm qua được xác định do tổng hợp của nhiều nguồn ô nhiễm như: giao thông, sản xuất, xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Trong đó, đốt rác, đốt rơm rạ được coi là nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm vì có khả năng phát thải lượng bụi mịn rất lớn cũng như các chất độc khác.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc tự động cho thấy chỉ số AQI ngày tại một số trạm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên ở mức xấu hoặc rất xấu.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi.
Ngoài ra, dữ liệu ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khu vực trên toàn quốc xuất hiện các điểm đốt mỏ, tập trung nhiều tại khu vực miền núi Đông Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang), Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) và các tỉnh Tây Nguyên, Nam trung Bộ và Nam Bộ. Đây cũng là một nguồn gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. Trang web quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài trong nhiều ngày tới ở Hà Nội.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí, đồng thời báo cáo UBND TP chỉ đạo thực hiện tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn, công bố rộng rãi kết quả quan trắc để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn.
UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; Khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt ở trên địa bàn; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình.
Biện pháp bảo vệ sức khỏe
Trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, người dân cần có những biện pháp bảo vệ sức khỏe. Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Bên cạnh đó, người dân nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn như tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5. Người ra đường nên sử dụng các loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi mịn, thay vì khẩu trang thông thường.