Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phải là đầu tầu về cải cách hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan về công tác cải cách hành chính (CCHC).

Đột phá trong đơn giản hóa TTHC

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: Xác định năm 2016 có ý nghĩa quan trọng với nhiều sự kiện đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay, TP Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ T.Ư giao về CCHC, đạt nhiều kết quả mang tính đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, đã có chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký thành lập DN, cấp GCN quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho DN…

Cải cách TTHC được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nên đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh rà soát TTHC theo hướng rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, tập trung cải các TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính, nâng cao tính minh bạch và khả năng cung cấp dịch vụ công (DVC) của các đơn vị sự nghiệp công lập và DN Nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan về công tác cải cách hành chính (CCHC).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan về công tác cải cách hành chính (CCHC).
Từ tháng 6/2016, TP thực hiện giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng trong 2 ngày làm việc, duy trì tỷ lệ kê khai, nộp thuế điện tử đạt trên 96%; thực hiện liên thông cấp GCN đầu tư, GCN đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài; cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết TTHC về đầu tư…

Để làm tốt hơn công tác CCHC, tại đây, lãnh đạo UBND TP đã nêu 11 nhóm ý kiến kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, chủ yếu về thể chế và công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trong quá trình tham mưu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng những quy định về TTHC cần theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi cho người dân, DN; mở rộng các TTHC liên thông, tránh cắt khúc các TTHC gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện.

TP cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hướng dẫn các chuẩn cấu trúc dữ liệu dùng chung và chuyên ngành để phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống; khi khảo sát các phần mềm dùng chung, cần khảo sát và nắm rõ yêu cầu quản lý thực tế, hiện trạng ứng dụng tại địa phương để triển khai các giải pháp phù hợp...

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ kiến nghị: Các bộ, ngành T.Ư sớm hoàn thành rà soát, đánh giá những điều kiện đầu tư kinh doanh để sửa đổi, bãi bỏ những điều kiện không còn phù hợp và tránh hiện tượng “nghị định hóa” các điều kiện kinh doanh không hợp lý; cho phép TP lập và thực hiện “Đề án thí điểm về đơn giản hóa việc đăng ký DN qua mạng điện tử” để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN.

Tăng cường kỷ luật công vụ

Biểu dương những cố gắng của Sở KH&ĐT, quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung trong CCHC; đã đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung CCHC, đơn giản hóa thời gian giải quyết trong nhiều TTHC thủ tục liên quan đến nhu cầu dân sinh…, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh: CCHC được Chính phủ xác định là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế-xã hội, Thủ đô nếu làm tốt CCHC, tạo tin tưởng của người dân với chính quyền, DN yên tâm đầu tư… thì sẽ góp phần rất lớn phát triển chung cả nước. TTHC rườm rà, khiến người dân và DN phải qua nhiều “cửa”, thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi. Hà Nội phải là đầu tầu gương mẫu, thực hiện đúng chương trình CCHC của nhà nước giai đoạn 2011-2020, thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ.

“Cả nước đang hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, rút ngắn ngày càng nhiều thời gian, công sức của họ trong quá trình giải quyết công việc liên quan tới cơ quan công quyền. Để vượt qua thách thức, trước hết TP cần vượt qua thói quen nền hành chính quan liêu mệnh lệnh để tạo ra nền hành chính phục vụ, kiến tạo. Làm tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ là điều kiện tốt để CCHC”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị: Hà Nội sớm khắc phục một số hạn chế trong CCHC; xây dựng đội ngũ CB, CC vừa hồng vừa chuyên, gắn với thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, loại bỏ CB, CC không đảm bảo phẩm chất đạo đức, tuyển chọn cán bộ tốt phục vụ được Nhân dân. Siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường kỷ luật công vụ, không thể tái diễn tình trạng cơ quan chính quyền đóng cửa đi nghỉ mát; buổi trưa cán bộ đi nhậu nhẹt, đến giờ làm việc vẫn ngồi tán gẫu…

Thời gian tới, yêu cầu TP khẩn trương nghiên cứu xây dựng chương trình kế hoạch hành động thiết thực hiệu quả thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, nhất là những TTHC liên quan trực tiếp đến người dân và DN, tập trung vào phục vụ hội nhập quốc tế, khởi nghiệp, đầu tư, đất đai…

Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thực hiện nghiêm tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách công vụ công chức, thực hiện tốt xây dựng cơ cấu CC, VC theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ CB, CC, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính để tạo hình ảnh người CC, VC Thủ đô liêm chính, trách nhiệm, năng động, chuyên nghiệp, hết lòng phục vụ Nhân dân. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử đảm bảo hạ tầng CNTT đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm về máy móc và nhân lực.

Về các kiến nghị của TP, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT cải thiện, nâng cao chất lượng, bổ sung chức năng cho hệ thống thông tin đăng ký DN Quốc gia theo hướng tích hợp nhiều tính năng hơn, dễ tác nghiệp; hỗ trợ xây dựng phần mềm kết nối dữ liệu giữa hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư với hệ thống quản lý về đầu tư nước ngoài của Hà Nội… Bộ Tài chính sớm rà soát ban hành thông tư thay thế Thông tư 106 của Bộ về sửa đổi Thông tư 176 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký DN, đăng ký hộ kinh doanh…

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Thời gian tới, TP sẽ thực hiện các nội dung CCHC và các nội dung theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ một cách quyết liệt và hiệu quả nhất.