Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2023, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận

Thuỷ Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Xác định nhiệm vụ phát triển 5 huyện lên quận là khó và phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu, các sở, ngành và khối huyện phải cùng vào cuộc để tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, có giải pháp cụ thể báo cáo TP trong tháng 6/2022.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Ngày 2/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội. Hội nghị đã nghe Sở KH-ĐT, các đơn vị liên quan và và 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) báo cáo tình hình, từ đó có định hướng để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Phó Trưởng ban Chỉ đạo;  Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; các Phó Chủ tịch UBND TP: Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo 5 huyện và các sở, ngành liên quan.

Khối lượng công việc còn lớn, nhiều vướng mắc

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc đánh giá cao nỗ lực của thành viên Ban chỉ đạo để tháo gỡ cùng các sở, ngành và các huyện; đánh giá cao sự chủ động quyết liệt của 5 huyện trong quá trình triển khai thời gian qua. Chủ tịch UBND TP nêu các sở, ngành cũng đã tích cực hơn để “xắn tay” tháo gỡ cùng các huyện đang trong quá trình phát triển thành quận.

Xác định khối lượng công việc còn lớn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh về vướng mắc trong việc chưa thống nhất về tiêu chí huyện lên quận, xã lên phường. Bên cạnh một số sở, ngành rất tích cực, còn một số sở, ngành chưa tích cực tháo gỡ cùng các huyện.

Chủ tịch UBND TP nêu, cuộc họp sẽ tập trung cập nhật tình hình mới nhất để hướng tới lộ trình tiếp theo, giải quyết dứt điểm các vấn đề. Bên cạnh đó, xem xét các vấn đề còn vướng mắc với các ngành dọc để giải quyết dứt điểm; tập trung tháo gỡ cho các huyện về tiến độ, lộ trình, đầu tư... 

Các đại biểu tham dự phiên họp. 
Các đại biểu tham dự phiên họp. 

Theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Đức, báo cáo của 5 huyện cho thấy, sau khi rà soát, đánh giá và thống nhất với các sở chuyên ngành, kết quả có 4 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) thực hiện các tiêu chí vẫn giữ nguyên so với thời điểm Ban Chỉ đạo của TP họp tháng 12/2021. Riêng huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đạt tăng thêm 5 tiêu chí.

Đối với 27 tiêu chí huyện thành quận: Huyện Đan Phượng đạt 21/27 tiêu chí; 6 tiêu chí chưa đạt. Huyện Đông Anh đạt 26/27 tiêu chí, 1 tiêu chí chưa đạt (Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật); tăng thêm 5 tiêu chí so với thời điểm báo cáo cuối năm 2021 (21/27 tiêu chí). Huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt. Huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt. Huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt.

Đối với 15 tiêu chí xã thành phường: Huyện Gia Lâm đạt 9/15 tiêu chí, còn 6 tiêu chí chưa đạt (20/22 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Thanh Trì đạt 10/15 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt (16/16 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Đan Phượng đạt 6/15 tiêu chí, còn 9 tiêu chí chưa đạt (16/16 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Đông Anh đạt 13/15 tiêu chí, còn 2 tiêu chí chưa đạt (10/24 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Hoài Đức đạt 7/15 tiêu chí, còn 8 tiêu chí chưa đạt (19/20 xã chưa đạt).

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân phát biểu tại hội nghị. 
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân phát biểu tại hội nghị. 

Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND TP giao nhiệm xây dựng Đề án thành lập quận, các xã thành phường và được UBND TP đồng ý chủ trương.

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, theo Sở KH-ĐT, trên cơ sở tình hình thực hiện Đề án đến hết năm 2021, các huyện đã xây dựng và đề xuất lộ trình hoàn thành Đề án. Cũng theo Sở KH-ĐT, các huyện đã xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Đánh giá của Sở KH-ĐT cho thấy, theo báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí Đề án đến hết năm 2021 của các huyện và đánh giá của các sở, ngành cho thấy khối lượng công việc để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt là rất lớn.

Một số tiêu chí trong Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ nêu ra mà chưa hướng dẫn cách tính rõ ràng, cụ thể (mật độ đường giao thông đô thị). Một số tiêu chí của ngành Thống kê quy định cho tiêu chí huyện thành quận song đối chiếu theo quy định chuyên ngành không được quy định cho cho cấp huyện, xã do đó không có cơ sở tính toán, đánh giá.

Bên cạnh đó, cách hiểu và cách tính toán, xác định các tiêu chí còn chưa thống nhất giữa và huyện và sở, ngành, nhiều bất cập, cần tiếp tục rà soát, tính toán và đánh giá lại. Một số tiêu chí các sở, ngành đang tiếp tục rà soát các căn cứ pháp lý.

Từ thực tế trên, Sở KH-ĐT đề xuất Ban Chỉ đạo TP xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 5 huyện như sau: Huyện Đông Anh và Huyện Gia Lâm sẽ hoàn thành 2022-2025; 3 huyện còn lại rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Đề án.

Nỗ lực gắn với trách nhiệm cụ thể

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, hiện nay căn cứ pháp lý để quyết tâm thực hiện lộ trình xây dựng 5 huyện thành quận là chắc chắn. Bởi, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP xác định rõ từ năm 2025 phấn đấu 5 huyện trở thành quận. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 06 và Nghị quyết 15 dành riêng cho Hà Nôi. Tới đây, Bộ Chính trị cho phép Hà Nội báo cáo Chính phủ, Quốc hội để triển khai một số chính sách lớn và đây là cơ sở pháp lý để yên tâm, quyết tâm làm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao việc 5 huyện và các sở ngành đã rất cố gắng, chủ động làm việc để rà soát lại các tiêu chí để triển khai. Ban Chỉ đạo rất quyết tâm để báo cáo với Thường trực, Ban Thường vụ, HĐND TP, để ra phân cấp nhiệm vụ trong thực hiện. Một số địa phương cũng chủ động làm việc với các Bộ để ra được định hình cho việc triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nhấn mạnh một số khó khăn trong quá trình thực hiện như (nhóm tiêu chí; quy hoạch; cơ chế chính sách; thủ tục triển khai), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, thời gian tới, từng đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục làm việc với từng huyện, sở, xác định lộ trình và tới đây báo cáo với Thường vụ quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 để hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Ngoài ra, tính toán lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính sau khi các huyện lên quận. Tiếp tục rà soát lại các chính sách còn lại để thực hiện việc phân cấp cho các địa phương…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị. 

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tập hợp lại các ý kiến xác đáng tại hội nghị và ban hành thông báo kết luận cuộc họp để làm căn cứ cho các đơn vị tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển 5 huyện lên quận trong thời gian tiếp theo.

Chủ tịch UBND TP cũng đánh giá và ghi nhận tinh thần vào cuộc của các đơn vị, từ tháng 1/2022 đến nay, các sở, ngành và 5 huyện đã có quyết tâm chính trị rất lớn, vào cuộc quyết liệt theo thẩm quyền phân công để có kết quả chuyển biến tích cực. Điển hình như huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đã tăng thêm 5 tiêu chí so với thời điểm Ban chỉ đạo họp vào tháng 12/2021, các sở, ngành đã tích cực gỡ khó cho các huyện.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, việc phát triển từ huyện lên quận là việc khó và phức tạp, vì vậy cần gắn với trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa của các huyện và các sở, ngành.

Căn cứ phân công nhiệm vụ đã có, Chủ tịch UBND TP nêu những khó khăn đều đã được xác định và đã có giải pháp. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và 5 huyện cần rà soát lại các nhiệm vụ cùng với giải pháp và báo cáo Ban chỉ đạo trong tháng 6/2022. Đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cụ thể tới các Phó Chủ tịch phụ trách theo thẩm quyền và các sở, ngành tiếp tục phối hợp để tháo gỡ cho 5 huyện.