Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Phát huy thế mạnh các môn thể thao dân tộc

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự quan tâm, đẩy mạnh thể dục thể thao quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, ngành thể thao của các tỉnh, trong đó Hà Nội không ngừng chú trọng, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho Nhân dân, đồng thời bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống.

Sự hấp dẫn từ các môn thể thao dân tộc

Bộ VHTT&DL vừa tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII được tổ chức tại tỉnh Lào Cai với 700 HLV, VĐV thuộc các dân tộc thiểu số: Cao Lan, Dao, Mường, Nùng, Tày, Hoa, Pà Thẻn, Mông, Giấy, Lô Lô, Pu Péo, Sán Dìu, H'Mông… đến từ 17 tỉnh, TP.

Môn Đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại Hội thi Thể thao ác dân tộc thiểu số toàn quốc. Ảnh: Bùi Lượng.
Môn Đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại Hội thi Thể thao ác dân tộc thiểu số toàn quốc. Ảnh: Bùi Lượng.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với phong trào thể thao quần chúng. Qua Hội thi, sẽ tăng cường đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam; bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống của các dân tộc. 

“Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hội thi đã quay trở lại để các cán bộ, HLV, VĐV của các tỉnh trong khu vực được gặp gỡ giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn. Thành công của Hội thi lần này sẽ tạo đà khích lệ Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực rèn luyện thân thể, tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, phục vụ tốt cho học tập, lao động, sản xuất, góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” – ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Hội thi tranh tài ở 8 bộ môn: Bóng đá nam; bóng chuyền da; việt dã; đẩy gậy; kéo co (3 nội dung: nam, nữ, nam nữ phối hợp); bắn nỏ (nam, nữ); tung còn; tu lu. Xung quang khu vực thi đấu, đâu đâu cũng vang lên tiếng hò reo phấn khích. Hội thi là cơ hội để đồng bào, nhất là các bạn trẻ gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thi đấu, cùng nhau gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc.

Giữ lửa cho các môn thể thao dân tộc

Các môn thể thao truyền thống đã gắn bó với đời sống, lao động của đồng bào các dân tộc là nét văn hóa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong nhiều giai đoạn phát triển. Đây cũng là điểm tựa quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của mỗi địa phương. Cụ thể, các môn thể thao truyền thống, dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, tung còn, bắn nỏ đều là những nội dung thi đấu chính thức từ Đại hội TDTT cấp xã, thị trấn cho tới cấp huyện. Đây là những môn thể thao đã gắn bó với đời sống, lao động, phong tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện, đồng thời được đông đảo Nhân dân yêu thích, tham gia tập luyện thường xuyên.

Bắn nỏ được tổ chức tại Hội thi Thể thao dân tộc thiểu số TP Hà Nội năm 2022. Ảnh: Thành Hưng.
Bắn nỏ được tổ chức tại Hội thi Thể thao dân tộc thiểu số TP Hà Nội năm 2022. Ảnh: Thành Hưng.

Hà Nội có gần 110 nghìn người dân tộc thiểu số, phân bố chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất. Trong đó, đồng bào dân tộc Mường, Dao chiếm số lượng lớn. Những năm qua, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô.

Tại huyện Ba vì, mọi hoạt động nằm trong chương trình của Đại hội TDTT huyện cũng như hướng tới Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022 được triển khai và thực hiện theo đúng tiến độ. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc trong kế hoạch đã được đề ra. 

“Việc đưa các môn thể thao này vào hoạt động TDTT thường xuyên tại các xã, thị trấn được xem là giải pháp quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi, trò diễn dân gian tại các lễ hội lớn tại nhiều địa phương, các ngày hội văn hóa, thể thao của các xã, thị trấn cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới cũng là điều kiện quan trọng để vừa thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển phong trào TDTT” – ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, các môn thể thao truyền thống của dân tộc là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, nhiều giải pháp đồng bộ phải được thực hiện góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong việc phát triển các môn thể thao dân tộc...

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trong đó Hội thi thể thao dân tộc thiểu số TP Hà Nội mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc nhằm thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô.

“Hà Nội luôn quan tâm phát triển phong trào thể dục thể thao, trong đó có phong trào thể dục thể thao các dân tộc thiểu số. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển; các lễ hội, hội thi văn hóa, thể thao được tổ chức ngày càng nhiều với sự tham gia tích cực và đông đảo của bà con dân tộc thiểu số. Các thi đấu các môn thể thao dành riêng cho đồng bào, khuyến khích đồng bào tích cực rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe để phục vụ lao động, sản xuất, học tập, cũng như góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” – ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.