Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phát triển “Đô thị xanh” như thế nào?

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia quy hoạch, Hà Nội sẽ dần biến mất những mảng xanh và không thể phát triển thành một đô thị xanh đúng nghĩa, nếu không có định hướng sử dụng quỹ đất đô thị hợp lý. Đặc biệt, phát triển đô thị xanh cần phải gắn chặt với đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Chưa đạt được mục tiêu xanh
Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là TP “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng TP cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới.
Đây là mục tiêu hàng đầu bên cạnh các mục tiêu “văn hiến - văn minh - hiện đại”. Không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn TP, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị…
 Một góc Hà Nội nhìn từ phía Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Có thể nói, Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội được phê duyệt với những mục tiêu trên là cơ hội lớn, để tái lập lại sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh.
Tuy nhiên, thực tế qua hơn một thập kỷ Hà Nội được mở rộng, những mục tiêu đó vẫn chưa đạt được. Tình trạng ngập úng vẫn xảy ra, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, diện tích của những không gian xanh chưa đi đôi với phát triển nhà cao tầng…
Thậm chí tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt, khi diện tích xây dựng bất động sản mỗi năm là 12 triệu mét vuông nhà ở - bằng với diện tích xây dựng nhà ở của 100 năm, từ 1900 đến năm 2000.
Bất động sản phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc các không gian xanh của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, những vùng lúa, mặt nước của ao hồ… ngày càng bị thu hẹp. Hầu hết các hồ ao nhỏ đều đã bị san lấp để có đất xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc các khu nhà ở. Trong vòng 15 năm, từ 1993 - 2008, Hà Nội đã mất 21 hồ, diện tích hồ của TP vì thế giảm từ 850ha xuống còn 547ha.
Mặc dù TP đã rất tập trung trồng mới cây xanh nhưng diện tích thảm xanh trên đầu người chưa đạt, còn thiếu so với tiêu chuẩn cần thiết về cây xanh đô thị. Thậm chí, trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội năm 2011 đã đưa ra nhiệm vụ là phải loại bỏ khỏi vành đai xanh (thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy) hàng trăm dự án đô thị trong tổng số hơn 740 dự án được rà soát, nhưng trên thực tế đến nay các dự án đô thị, bất động sản tại khu vực này vẫn dày đặc.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, trong những năm qua, môi trường xanh của Hà Nội ngày càng bị mất cân bằng trầm trọng. Những vùng xanh tự nhiên của đất và nước đang dần bị những màu xám của bê tông, nhà cao tầng lấn át.
Chỉ còn 10 năm nữa là đến năm 2030, là dấu mốc để đạt được những mục tiêu mà bản Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đề ra, trong khi không gian để xanh hóa Thủ đô không còn nhiều. Do đó, để phát triển đô thị xanh cần phải gắn chặt với đồ án quy hoạch trên.
Còn nhiều trở ngại
Việc nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững về mặt môi trường đã trở thành xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước; khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.
Thời gian qua, một số khu đô thị được xây dựng ở Hà Nội như Vinhome Riverside, Gamuda, Sunny Garden City… được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để có thể gọi là đô thị xanh.
Theo nhiều chuyên gia, để một đô thị chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là có thể học tập, rút kinh nghiệm đi trước từ các nước phát triển để áp dụng vào nước ta.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam nói chung cũng như tại Hà Nội nói riêng còn gặp nhiều trở ngại, như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao.
Ngay trong chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, và thực tế cũng chưa xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị xanh.
KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng, Hà Nội là một TP hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị xanh bền vững. Do lợi thế tự nhiên, với hệ thống sông hồ dày đặc, những vùng nông nghiệp hoàn chỉnh về thổ nhưỡng và thủy hệ, có khả năng tự cung tự cấp, tạo vòng tuần hoàn khép kín về tiêu dùng và tái tạo năng lượng và dưỡng chất từ rác thải, nước thải đô thị.
“Làm quy hoạch tốt là phải cân bằng đất và nước, có như vậy mới bảo đảm môi trường sinh thái phát triển để có được đô thị xanh, kinh tế xanh. Do đó, bài toán quy hoạch phải được tích hợp đa ngành, đặt ra mục tiêu con người làm trọng tâm, cam kết của nhà quản lý là quan trọng, lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng.
Quỹ đất đô thị phải được quy hoạch sử dụng hợp lý, phát triển bất động sản phải song hành với phát triển nông nghiệp sinh thái, nhằm tuần hoàn rác thải và nước thải đô thị. Bản chất của phát triển đô thị xanh và bền vững là phải cân bằng được môi sinh, cân bằng về lợi ích, cân bằng giữa tự nhiên và phúc lợi xã hội” - KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị xanh, các chuyên gia đô thị đều cho rằng, công tác quy hoạch của Hà Nội phải được tính đếm lại trong tất cả các bài toán về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, bất động sản, không gian công cộng… Chỉ khi quy hoạch được làm mang tính tích hợp cao thì mới hy vọng có được một kịch bản phát triển xanh, bền vững cho Thủ đô.
Nhằm bổ sung một số quy định mới để kịp thời điều chỉnh những nội dung mới hình thành như phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.