Hà Nội phát triển kinh tế theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 540-TB/TU về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện từng bước chắc chắn thiết lập trạng thái bình thường mới, đưa học sinh trở lại trường học, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh...

Xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp 
Theo nội dung Thông báo số 540-TB/TU, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo về công tác phòng, chống Covid-19 trong phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp nhằm từng bước nới lỏng các hoạt động kinh tế - xã hội.
 Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học. Ảnh: Trần Oanh
Tuy nhiên, trong những ngày qua, số ca F0 mới được phát hiện tiếp tục gia tăng. Nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất lớn, đặc biệt đã xuất hiện một số chùm ca bệnh mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Trong điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người trên 50 tuổi của TP mới đạt trên 44% và khoảng 120.000 người không đủ điều kiện tiêm chủng, chưa có vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi yêu cầu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân và an toàn cho Thủ đô đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo thực hiện công bố việc Hà Nội tạm thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo cấp độ dịch ở cấp độ 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo diễn biến tình hình dịch Covid-19; một số địa bàn có thể áp dụng cấp độ cao hơn.
Thành phố tiếp tục duy trì xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành y tế. Đối với các hội nghị của các cơ quan Nhà nước trực thuộc TP, tổ chức xét nghiệm cho các đại biểu trước khi tham gia hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp. Khi phát sinh F0, phải đưa đi điều trị, khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng, đưa F1 đi cách ly tập trung và nỗ lực nhanh chóng kiểm soát, dập dịch, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hà Nội sẽ tập trung nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, trọng tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện các trạm y tế lưu động tại các khu dân cư, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao gắn với diễn tập các tình huống; củng cố, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là bình ô xy, có giải pháp bổ sung bác sĩ ở nơi còn thiếu.
Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học. Trước mắt, TP sẽ xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại các huyện, thị xã bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; đối với các quận, cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh để xem xét trong thời gian tiếp theo.
Ban Cán sự đảng UBND TP căn cứ tình hình thực tiễn và chỉ đạo của Trung ương để rà soát, có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi triển khai tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại theo phạm vi từ xã, phường, thị trấn theo nguyên tắc an toàn, thận trọng.
Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm căn cứ hướng dẫn của TP để xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về các điều kiện và an toàn khi cho học sinh trở lại trường học trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm vaccine khi được phân bổ. Trong đó, ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi theo chỉ định của Bộ Y tế, người trên 50 tuổi, lực lượng tuyến đầu, giáo viên, nhân viên y tế, các chức sắc tôn giáo, học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng “shipper”, vận chuyển, người làm việc tại trung tâm thương mại, siêu thị...
 Ban Thường vụ Thành ủy đã đồng ý về chủ trương đối với dự thảo kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023. Ảnh: Phạm Hùng
Tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất
Ban Thường vụ Thành ủy đã đồng ý về chủ trương đối với dự thảo kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023 và dự thảo kế hoạch tổ chức thực hiện Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo. Ban Cán sự đảng UBND TP có nhiệm vụ chỉ đạo UBND TP tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, đối với Kế hoạch thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, Ban Cán sự đảng UBND TP phải chỉ đạo rà soát kỹ nội dung văn bản, nhất là phụ lục ban hành kèm theo bảo đảm bao phủ cơ bản toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội (nhất là các hoạt động tập trung đông người như đám cưới, đám tang, hoạt động tôn giáo...) và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tiễn của TP với quan điểm chung là thận trọng, không nóng vội, các hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ các quy định về mức độ hạn chế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và nguyên tắc “5K”, quét mã QR.
Đối với kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Ban Cán sự đảng UBND TP phải rà soát, hoàn thiện kế hoạch bảo đảm thực chất, hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện cần tập trung rà soát các quy trình, thủ tục hành chính và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn”, ách tắc của các công trình, dự án cụ thể (trong ngân sách và ngoài ngân sách), nhất là các thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND các cấp, trước hết là của các sở, ngành và UBND TP để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô.
Xác định vai trò quyết định trong thiết lập trạng thái “bình thường mới”, đưa trẻ em trở lại trường học, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tập trung quán triệt, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Tinh thần chung là tuyệt đối không lơ là, chủ quan; giám sát chặt di biến động dân cư tại cơ sở, đặc biệt là người về từ các địa phương, các vùng có dịch để theo dõi, giám sát sức khỏe, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, bảo đảm không để xảy ra lây lan ra cộng đồng.
Công an TP phải làm nòng cốt phối hợp với các sở, ngành, địa phương phát động và tổ chức tốt đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh trên toàn địa bàn TP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1103-QĐ/TU ngày 4/6/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại cơ sở; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần