Hà Nội phát triển nông nghiệp xanh

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông nghiệp xanh với chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường... là hướng phát triển bền vững mà Hà Nội đã và đang nỗ lực theo đuổi.

Hiệu quả từ sản xuất xanh

Nhiều năm qua, hộ bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) thường thu hoạch cua, chạch đồng trong ruộng lúa để tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Gia đình bà Tâm cũng là hộ có thâm niên áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến, cấy thưa với giống lúa chất lượng cao kết hợp điều tiết nước hợp lý. Sau khi gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, toàn bộ rơm, rạ được để lại trên ruộng làm phân bón cho vụ kế tiếp, nhờ đó giảm tới 70% lượng phân bón hóa học, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Canh tác lúa theo phương thức cải tiến mang lại hiệu quả cao tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh
Canh tác lúa theo phương thức cải tiến mang lại hiệu quả cao tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh

“Qua hơn 10 năm canh tác tuần hoàn, gia đình tôi cùng nhiều nông hộ trong xã tạo được hệ sinh thái bền vững: Phụ phẩm từ cây lúa thành phân bón cho vụ kế tiếp; tôm, cua, chạch, cá rô đồng... phần lớn sinh sản tự nhiên trong ruộng lúa. Với cách này, vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng" - bà Tâm chia sẻ.

Nói về lợi ích của nông nghiệp xanh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, nông nghiệp xanh trên thực tế đã tồn tại gần 20 năm qua tại địa phương với hàng ngàn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác: Vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Một số năm gần đây, hệ canh tác lúa - cá, lúa - vịt… ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Các hệ canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi, những mô hình đa canh lúa - cá - vịt... đang chiếm ưu thế, giúp nông dân bám trụ được với nghề nông.

Tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp xanh được nhân rộng, thực sự đi vào sản xuất và đời sống xã hội, còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nhận thức, thói quen canh tác, phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Gắn chặt với ứng dụng tiến bộ khoa học

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương phân tích, nông nghiệp xanh là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các sản phẩm, phế phụ phẩm sẽ được sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, giảm thất thoát, hạn chế tối thiểu lượng chất thải, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp xanh là tất cả phế thải của quá trình sản xuất phải được coi là nguồn tài nguyên, là nguyên liệu của quy trình sản xuất sản phẩm tiếp theo.

Để phương thức canh tác xanh đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều nông dân và cán bộ nông nghiệp tại các địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai… đề nghị, trước hết, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, hình thành các điều kiện cụ thể để người dân tham gia mang tính bắt buộc, bởi để tạo được môi trường sản xuất sạch cho tôm, cá, cua sinh sôi, phát triển, rất cần quy mô vùng.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Hà Tuyển chia sẻ, là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 500ha mỗi vụ, để nông nghiệp xanh phát triển, rất cần xây dựng chiến lược tuyên truyền sâu rộng về mô hình kinh tế tuần hòa trong nông nghiệp. Mặt khác, cần đa dạng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình đào tạo phù hợp từng đối tượng, địa bàn.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc phải làm nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp xanh trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

 

"Phát triển nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, gồm: Lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả gần 7.400ha..."- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần