Chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi
Năm 2018, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại Hà Nội, thể thao Thủ đô giành ngôi Nhất toàn đoàn với 176 HCV, 149 HCB và 139 HCĐ. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sắp tới, thể thao Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong Kế hoạch số 325/KH-UBND về đào tạo huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD giai đoạn 2021-2025 của UBND TP Hà Nội.
Theo Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, sau Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, thể thao Hà Nội đã chuẩn bị lực lượng cho Đại hội thể thao toàn quốc kỳ này, bên cạnh đầu tư cho những mục tiêu như SEA Games, ASIAD, Olympic... Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX khó khăn hơn rất nhiều so với các lần trước.
“Các bộ phận chuyên môn tạo điều kiện cho các vận động viên trọng điểm của Hà Nội được tham gia các đợt tập huấn tại Thái Lan, Hàn Quốc... Hỗ trợ tối đa cho các đội tuyển để các đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng.
“Do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ chuyên môn của các VĐV. Chính vì vậy, nhiều bộ môn chỉ dám đặt chỉ tiêu huy chương ở mức khiêm tốn... Thể thao Hà Nội đã lên kế hoạch chi tiết ngay sau khi bình thường mới, trong đó tiên quyết là tập huấn, thi đấu quốc tế để giúp VĐV cọ xát tích luỹ kinh nghiệm. Đặc biệt, việc tập huấn dài hạn và thi đấu nước ngoài liên tục luôn là điểm ưu việt của thể thao Hà Nội so với các địa phương, đơn vị khác. Nhiều bộ môn đã xoay xở hết sức để đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài, nhiều đội đã có kinh phí bổ sung phục vụ tập huấn, thi đấu quốc tế nên áp lực về chuyên môn cũng giảm phần nào” – ông Đào Quốc Thắng nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho Đại hội, những chuyến tập huấn đã được lên kế hoạch chi tiết cả trong nước cũng như quốc tế giúp các VĐV sẵn sàng chinh phục những thành tích cao. Điển hình, đội muay và kickboxing đã đưa VĐV đi tập huấn tại Thái Lan trong 85 ngày. Trong khi đó, đội cử tạ cũng hướng địa điểm tập huấn sang Thái Lan; đội bắn cung, rowing chọn địa điểm tập huấn ở Hàn Quốc thay vì tại Trung Quốc trong nhiều năm qua. Còn đội bóng bàn đi tập huấn dã ngoại tại một số tỉnh phía Bắc, kết hợp dự 2-3 giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia, giải mở. Đội điền kinh đưa các chân chạy tổ đi bộ, cự ly trung bình dài đi tập huấn ở Quảng Ninh.
Dự kiến có khoảng 1.443 HLV, VĐV, chuyên gia, phiên dịch, bác sĩ tham gia thi đấu 42/43 môn tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm.
Tạo sức bật mới cho thể thao thành tích cao
Theo Giám đốc Sở VH&TT TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng, mục tiêu thể thao Hà Nội đặt ra là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao có truyền thống và thế mạnh của Hà Nội, đạt trình độ, giành thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các HLV tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong hoạch định chiến lược huấn luyện VĐV thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, Hà Nội đề ra mục tiêu đóng góp trên 30% lực lượng VĐV và số lượng huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) tại Trung Quốc; trên 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam lần thứ 32 (SEA Games 32) tại Campuchia.
Việc đào tạo, bồi dưỡng HLV, VĐV thành tích cao trọng điểm có sự liên thông, với mục tiêu thể thao Thủ đô là lực lượng nòng cốt cho các đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự Olympic Paris năm 2024. Cùng với đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.200 VĐV tuyến đội tuyển Hà Nội, trong đó khoảng 150 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV tài năng, trong đó có trên 20 HLV cao cấp.
“Xa hơn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.300 VĐV tuyến đội tuyển Thủ đô, trong đó khoảng 250 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV tài năng, trong đó có trên 20 HLV cao cấp; có trên 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 34 tại Brunei năm 2027 và SEA Games 35 tại Lào năm 2029; trên 30% lực lượng VĐV đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic lần thứ 34 tại Mỹ năm 2028...” – ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Ðể duy trì và giữ vững vị trí đứng đầu về thể thao thành tích cao trong cả nước, rộng hơn tới tầm khu vực, ngoài việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực kế cận, các bên liên quan đều hiểu rằng Hà Nội cần chú trọng hơn công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị luyện tập hiện đại đáp ứng yêu cầu thi đấu của các giải quốc gia, khu vực và quốc tế. Cùng với đó, cần quan tâm, xem xét chế độ chính sách cho các HLV, VĐV có nhiều thành tích để hướng đến thành tích chung, tạo đà phát triển lâu dài cho thể thao thành tích cao.