Hà Nội phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/2, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND và các văn bản liên quan cho cán bộ chủ chốt của TP, quận, huyện, thị xã, báo cáo viên pháp luật TP, quận huyện, thị xã.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một trong những sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của đất nước trong năm 2016.
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn.
Để cử tri thành phố sáng suốt lựa chọn được những đại biểu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn, có đức, có tài để đại diện cho ý trí nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri cả nước là Đại biểu Quốc hội và HĐND, việc nắm bắt sâu, hiểu kỹ các quy định pháp luật các văn bản liên quan đến bầu cử là yếu tố vô cùng quan trọng.

Phó Chủ tịch yêu cầu, các sở ngành, báo cáo viên các quận, huyện, thị xã cần nghiên cứu nắm vững Chỉ thị số 51 của Bộ Chính trị, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản hướng dẫn về quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các văn bản có liên quan; từ đó tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, Nhân dân…

Tại hội nghị, đồng chí Lê Trọng Vinh –  Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) đã truyền đạt những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/9/2015. Luật có rất nhiều điểm mới như quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử. Quốc hội quyết định lấy ngày 22/5/2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. 

Ngoài ra, còn một số điểm mới trong Luật đáng chú ý là số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Mở rộng việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, còn tiêu chuẩn đại biểu HĐND quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở các quy định Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần