Cùng dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng; Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; đại diện các cơ quan T.Ư, các sở, ban, ngành của TP; các chuyên gia thuộc các lĩnh vực; đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
"Gỡ vướng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ngay từ bây giờ"
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh hội nghị nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND Thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020... trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế xã hội, để từ đó đưa ra các giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đã đề ra.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP Hà Nội năm 2020. |
Chủ tịch UBND TP định hướng, trong các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, các đơn vị của TP cần tập trung vào cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, bởi đây là giải pháp dễ thực hiện và đỡ tốn kém nhất.
Ngoài ra, cần tính đến việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công; giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; tạo ra môi trường thuận lợi, “thông thoáng” để khuyến khích đầu tư tư nhân; tăng các nguồn chi tiêu thường xuyên; đưa ra các hỗ trợ về vốn.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải có giải pháp cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực như nông nghiệp, may mặc, dịch vụ du lịch…
“Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ngay từ bây giờ thì nguy cơ tụt hậu kinh tế vào những năm tới sẽ rất cao” – Chủ tịch UBND TP nhận định.
Tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố bị ảnh hưởng tiêu cực
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Các chuyên gia quốc tế đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu nghiêm trọng hơn dịch SARS, thiệt hại có thể gấp 3 - 4 lần.
Thiệt hại hơn gấp 3 – 4 lần là bởi vai trò của Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, hiện chiếm 18% GDP toàn cầu. Tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới chặt hơn nhiều so với thời điểm dịch SARS. Mức độ và phạm vi kết nối mạng tại Trung Quốc và trên thế giới sâu rộng hơn rất nhiều nên hiệu ứng truyền thông sẽ khuếch đại tác động của dịch bệnh.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm 0,2 %, xuống mức 2,3% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thế kỷ trước.
Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, độ mở của nền kinh tế khá lớn, trong đó quy mô thương mại, lưu lượng khách du lịch, trao đổi lao động với Trung Quốc và Hàn Quốc rất lớn sẽ chịu tác động không nhỏ.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: Bia, rượu (giảm 23,2%); Giày, dép (giảm 5,5%); Sản phẩm bằng Plasstic (giảm 12,5%);... Một số sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch tăng như: Dược phẩm (tăng 55,6%); Thuốc trừ sâu, sản phẩm hóa chất (tăng 46,3%); Thuốc kháng sinh dạng bột, cốm (tăng 38,5%);…
|
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị |
Kim ngạch xuất khẩu giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 12,3%).
Khách du lịch giảm mạnh: Khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%;... Khách du lịch nội địa giảm 21,2%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...
Trong tháng, có 6/11 nhóm hàng có chỉ số giảm: Giao thông giảm 2,24%; Văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,58%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,24%; May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,19%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; Bưu chính viễn thông giảm 0,13%.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Dự báo sản xuất công nghiệp quý I/2020 vẫn tăng, tuy nhiên thấp hơn mức tăng của các năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,75%. Trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I/2020, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 vẫn còn gặp khó khăn.
Thị trường bất động sản, nhà ở và công trình giao thông chững lại do dịch bệnh, cùng với thiếu hụt nguồn lao động sau kỳ nghỉ tết và với tâm lý từ cộng đồng hạn chế di chuyển, tự cách ly, hạn chế nơi đông người khiến người lao động chưa sẵn sàng tham gia dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động; cùng với thiết bị lắp đặt trong xây dựng (như thang máy, vận thăng…) nhập khẩu gián đoạn khiến hoạt động xây lắp cũng chậm tiến độ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện trên địa bàn, nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi và tác động đến tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Về thương mại dịch vụ, Quý I trùng vào dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tâm lý phòng chống dịch bệnh Covid-19, lo ngại thiếu lương thực, thực phẩm và dụng cụ thiết yếu nên sức mua tại các siêu thị như Big C, Vinmart tăng 50% so với ngày bình thường; các siêu thị còn lại tăng từ 10-15%; các nhóm hàng hóa khác hầu như không tăng, thậm chí đối với các mặt hàng hóa mỹ phẩm và hàng tiêu dùng doanh thu sụt giảm.
Dự báo tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng (ước đạt 9,7%, trong đó thương mại tăng 10,9%).
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; ảnh hưởng trực tiếp với mức độ đáng kế là 06 nhóm ngành sau:
Thứ nhất, ngành dệt may: 50% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và 10,2% từ Hàn Quốc, bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Mức suy giảm của ngành này khoảng 30% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Thứ hai, ngành Da giày: 27% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và 1,4% từ Hàn Quốc. Mức suy giảm của ngành này khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Thứ ba, nhóm ngành sản xuất Máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải: 25% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và 5,7% từ Hàn Quốc. Mức suy giảm của của nhóm ngành này khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Thứ tư, xuất khẩu nông sản: Khi chưa có dịch, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị tác động mạnh do chính sách siết chặt quản lý của nước sở tại. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm từ 1,5-2% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Thứ năm, nhóm sản xuất gỗ và nguyên liệu gỗ: Nhóm hàng này ít chịu ảnh hưởng hơn do tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc chỉ chiếm 5,8% và Hàn Quốc chỉ chiếm 0,3%. Dự kiến mức giảm của ngành này khoảng 2% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Thứ sáu, nhóm các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình (gọi tắt là cơ sở CNNT) với năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, huy động lao động, chi phí, nguyên liệu sản xuất đầu vào…
Về du lịch, nếu dịch bệnh được kiểm soát và kết thúc trong quý I/2020, Giải đua xe công thức 1 diễn ra như kế hoạch; cùng với một loạt hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội diễn ra, Ngành Du lịch Thủ đô chặn được đà suy giảm từ quý II và sẽ tăng trưởng trở lại từ quý III/2020. Số lượng khách du lịch quý I giảm 41,3%; quý II giảm 10%; quý III tăng 6,4%; quý IV tăng khá 15,5%.
Nếu dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khách du lịch sụt giảm mạnh, tổng thu từ khách du lịch đạt 95.180 tỷ đồng, giảm 8,3% và đạt 81,5% kế hoạch.
Về dự báo hụt thu ngân sách, nếu Quý I hết dịch, thu NSNN trên địa bàn giảm khoảng 7.480 tỷ đồng.
Nếu Quý I hết dịch nhưng tình hình còn ảnh hưởng lớn đến các quý sau, thu NSNN thu NSNN trên địa bàn giảm khoảng 14.780 tỷ đồng.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào quý II và có thể lâu hơn, thu NSNN trên địa bàn giảm khoảng 18.680 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ về chính sách tài chính, giãn, hoãn nợ
Tại phiên họp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, dịch Covid -19 cũng như Nghị định 100 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu liên quan đến nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo khảo sát, đa phần các doanh nghiệp chỉ có hàng tồn kho khoảng 15-20 ngày, do đó từ giờ đến khoảng 15/3 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu nguyên vật liệu. Doanh nghiệp du lịch trong hiệp hội bị ảnh hưởng nặng nề, hiện lượng khách giảm khoảng 50%, doanh thu bị ảnh hưởng lớn trong tháng 2 và tháng 3/2020.
|
Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực phát biểu |
Đưa ra những kiến nghị, khảo sát doanh nghiệp và nắm bắt khó khăn cho từng nhóm doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Cùng với đó nhu cầu mặt bằng và dịch chuyển cơ sở sản xuất rất lớn, đề nghị TP chú trọng, sớm gỡ vướng về mặt bằng để khi hết dịch doanh nghiệp có thể bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ phát triển.
Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết thời gian tới sẽ tập trung tuyên truyền các hộ kinh doanh để yên tâm sản xuất, hỗ trợ các hộ về thủ tục hành chính; phối hợp với Cục thuế và Sở Công thương về tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay để có những giải pháp cụ thể hơn nữa. Đồng thời, đề xuất với TP cho phép Hoàn Kiếm triển khai một số mô hình để tăng cường thu hút du lịch, ví dụ như mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Nguyễn Gia Phương phân tích: Nếu ở kịch bản 2 Hà Nội chỉ đạt được hơn 6%, chúng ta có thể tập trung vào kích cầu đầu tư. Trong đó thúc đẩy đầu tư công, đầu tư nước ngoài và đầu tư cá thể.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng thông tin: có 35% phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và chuyên gia nước ngoài; có hơn 50% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Nếu trong tháng 3 dịch chưa “đứng”, nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu sẽ không có tăng trưởng” – ông Lê Hồng Thăng đánh giá.
Giám đốc Sở Công thương đưa ra ví dụ ngành Dệt may: 50% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và 10,2% từ Hàn Quốc, bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Các doanh nghiệp đang tìm nguồn nguyên liệu khác thay thế, nhưng không thể thay thế được 100% trong thời gian ngắn; mặt khác, khi nguồn cung lớn của thế giới là Trung Quốc bị ảnh hưởng, giá thành nguyên liệu tăng khiến sức cạnh tranh bị giảm sút. Vì vậy, mức suy giảm của ngành này khoảng 30% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế TP là rất lớn, Sở Công thương đề xuất được làm riêng chương trình hành động của Sở Công thương, để tạo ra giải pháp mạnh mẽ; nếu chỉ ban hành các văn bản “chạy theo” các đơn vị khác thì sẽ không có giải pháp đủ mạnh để đối phó với tình hình hiện nay.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu vấn đề: "Doanh và người dân cần gì? Đó là trong tháng tới, quý tới doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng có cho nợ không? Vậy, doanh nghiệp giãn hoãn nợ, thậm chí có những khoản có thể được giảm lãi một chút".
|
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát biểu |
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương bày tỏ: "Tôi không cho rằng hỗ trợ lãi suất hay bơm tiền là biện pháp. Theo tôi, giãn, hoặc giảm các khoản nghĩa vụ về tài chính cho doanh nghiệp để họ tồn tại qua thời kỳ dịch bệnh và phát triển.. đó là biện pháp thiết thực nhất".
Tìm cơ hội để khai thác, phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, dịch bệnh Covid-19 hiện nay sẽ ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Chúng ta phải đánh giá được những khó khăn, nhìn ra những cơ hội để giảm thiểu ít nhất sự tác động này.
Theo Chủ tịch, mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề như du lịch, công thương, nhưng cũng có thể nhìn thấy cơ hội và thuận lợi sau khi dịch bệnh hết. Chủ tịch dẫn chứng, năm 2020, Trung ương và Hà Nội có nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn, chắc chắn, khi không còn nỗi lo dịch bệnh sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch và người dân tham gia.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề mới, nhất là trong lịch vực dịch vụ nhiều tiềm năng có thể tận dụng cơ hội phát triển; TP có nhiều chương trình xúc tiến đầu tư ở các thị trường nước ngoài có thế khai thác... Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ; Hà Nội có nhiều tiềm năng mà chưa khai thác hết...
Về những giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Số một vẫn là phòng chống dịch bệnh, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền phòng, làm sao cho mọi người dân yên tâm, ổn định; phấn đấu trên địa bàn Thành phố không để xảy ra lây nhiễm chéo. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư trên địa bàn; Cụ thể các biện pháp phát triển kinh tế.
“Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, từng đơn vị, từng ngành phải khảo sát, đưa ra các giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài. Ngoài ra cần có những giải pháp về vốn; công ăn việc làm” – Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo…