Hà Nội: Phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 1/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý III và 9 tháng đầu năm 2021, đánh giá về công tác phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách...

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND TP có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Trọng Đông, Hà Minh Hải, Dương Đức Tuấn, Nguyễn Mạnh Quyền, Chử Xuân Dũng; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quý Tiên và lãnh đạo sở, ban, ngành TP. Lãnh đạo một số sở, ngành; các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu đơn vị, địa phương.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị. 
Các chỉ tiêu tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH - ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, công tác phòng, chống dịch được TP luôn xác định là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu. UBND TP đã ban hành 2 Chỉ thị, 16 Công điện và nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Trong 14 ngày gần nhất, số ca nhiễm đã giảm 77% so với 14 ngày liền trước. Hà Nội đã tiêm 6,99 triệu mũi vaccine Covid-19, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 96,7% (70,2% tổng dân số), mũi 2 đạt 19,4% (14,06% tổng dân số). 
Hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý IIIước giảm 7,02%. Trong đó, Dịch vụ giảm 8,18%; Công nghiệp và xây dựng giảm 6,76%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,39%; Thuế sản phẩm giảm 2,56%. Do quý I và quý II tăng khá nên lũy kế 9 tháng vẫn duy trì tăng trưởng 1,28% - thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 3,35%. 
Sản xuất, kinh doanh các tháng 7, 8, 9 trong hầu hết các lĩnh vực giảm so với cùng kỳ năm 2020.Tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 9 tháng giảm 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lũy kế 9 tháng giảm 4,4%.Chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 9 tháng duy trì tăng 4,1%. Khách du lịch quốc tế lũy kế 9 tháng giảm 82,7%. 
Số doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm 2021 giảm 12%, số vốn đăng ký giảm 10%; doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tăng 22%; doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12%. 
Bên cạnh chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá như:Tổng thu NSNN trên địa bàn 9 tháng ước đạt 177.363 tỷ đồng, bằng 75,3% dự toán Trung ương giao (70,6% dự toán của Thành phố), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm của 18/23 ngành chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng, trong đó một số linh vực tăng cao như sản xuất: Xe có động cơ tăng 16,8%; trang phục tăng 14%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11%...Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đàn trâu tăng 13%, đàn bò tăng 6,7%, đàn lợn tăng 13,64%.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố đã hỗ trợ trên 1,625 triệu lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 559,389 tỷ đồng;trợ cấp cho hơn 84nghìnngười có công và thân nhân với số tiền 1.562 tỷ đồng. Đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh các cấp, đảm bảo khai giảng năm học mới trực tuyến trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh...
Hệ thống hạ tầng đô thị tiếp tục được duy trì, đảm bảo điện, nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Các lĩnh vực nội chính, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo... tiếp tục được quan tâm. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạnvà công tác truy vết các ca F0, tiếp nhận người cách ly, bảo quản vaccine Covid-19. 
Về kết quả giải ngân Kế hoạch vốn năm 2021, đến ngày 29/9/2021, toàn TP giải ngân được 15.063 tỷ đồng, đạt 32,6% kế hoạch của TP sau điều chỉnh, đạt 36% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, cấp TP giải ngân đạt 28,8%, cấp huyện đạt 35,3%.
Có kịch bản thu ngân sách phù hợp với từng giai đoạn  
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, tổng thu NSNN do ngành Thuế quản lý ước thực hiện tháng 9/2021 là 10.600 tỷ đồng, bằng 62,3% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu NSNN ước thực hiện 160.790 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán thành phố giao, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.
 Toàn cảnh hội nghị. 
Tổng thu ngân sách các địa bàn quận, huyện, thị xã 9 tháng đầu năm 2021 dự kiến thực hiện được 70.210 tỷ đồng, đạt 69,3% dự toán TP giao. Trong đó khối quận ước thực hiện 57.996 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán TP giao; khối huyện và thị xã ước thực hiện 12.214 tỷ đồng, đạt 60,6% dự toán TP giao.
Một số địa bàn dự kiến đạt kết quả thu NSNN 9 tháng đầu năm 2021 so với dự toán TP giao đạt khá như: Mỹ Đức (149,6%), Phú Xuyên (134,8%), Thường Tín (115,5%), Ứng Hòa (105,1%), Hà Đông (97%), Ba Vì (94,1%), Hai Bà Trưng (86,8%), Hoàn Kiếm (86,5%), Thanh Trì (82,4%), Sơn Tây 80,2%); Hoàng Mai (78,8), Nam Từ Liêm (77,4%); Thanh Xuân (76,6%). 
Bên cạnh đó vẫn có một số địa bàn ước thu NSNN 9 tháng đầu năm 2021 đạt thấp so dự toán TP giao: Đông Anh (25,7%),Quốc Oai (44,6%), Bắc Từ Liêm (49,8%), Tây Hồ (55,2%), Long Biên (56%); Hoài Đức (56,5%), Gia Lâm (60,5%). Nguyên nhân chủ yếu là do tiến độ thu từ đất của các địa bàn này tương đối chậm và đạt thấp cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội trong cuối tháng 7 và tháng 8.
Trong 3 tháng còn lại của năm 2021, Cục Thuế Hà Nội sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh; theo dõi sát sao hoạt động sản xuất kinh doanh, “sức khỏe” của doanh nghiệp; tiếp tục đánh giá các tác động từ việc áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để dự báo mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Từ đó, chủ động xây dựng các kịch bản thu NSNN theo từng tuần, từng tháng, quý để kịp thời đề ra các giải pháp thu ngân sách phù hợp với từng giai đoạn, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN của lãnh đạo các cấp, mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách được giao.
Đảm bảo hàng hóa chống dịch trong trạng thái mới
Ban hành bộ tiêu chí an toàn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết đơn vị đang cùng Sở KH-ĐT đang khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong lĩnh vực công thương.
Với ngành công nghiệp, sở sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện đôn đốc triển khai xây dựng 43 cụm công nghiệp (phấn đấu khởi công 20 dự án trong năm nay); tập trung hỗ trợ 250-300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; công nhận 30 sản phẩm chủ lực; hỗ trợ làng nghề tìm kiếm thị trường; triển khai các chương trình khuyến công đã được phê duyệt...
Sở cũng sẽ tiếp tục đảm bảo hàng hóa cho chống dịch trong trạng thái mới; đảm bảo nguồn cung, sản xuất vụ đông; triển khai các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; tăng tổng mức bán lẻ trong dịp cuối năm; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp xuất khẩu, FDI trên địa bàn; thúc đẩy hội nhập quốc tế theo các hiệp định FDI; phát triển hạ tầng thương mại; Kết nối xuất khẩu, cung cầu qua các sàn thương mại điện tử; khởi động lại các trung tâm thương mại, chợ phải đóng cửa vì Covid-19...Sắp tới Sở sẽ tăng cường kiểm tra doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo bộ tiêu chí an toàn mà sở đang trình thành phố xem xét ban hành.
Sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh
Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, các nhiệm vụ trọng tâm được UBND TP Hà Nội nêu cụ thể xung quanh 2 nội dung chính là tiếp tục kiên định, kiên trì các biện pháp phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Bên cạnh đó, TP sẽ ban hành, thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. 
Trong đó các sở ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; Xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường... Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất trong khu gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó các Tổ công tác của thành phố định kỳ họp giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn và thực hiện các dự án. 
Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư tiếp tục đánh giá sát tình hình triển khai thực hiện của các dự án từ nay đến cuối năm để tiếp tục thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. 
UBND TP cũng yêu cầu mỗi chủ đầu tư cần chủ động có giải pháp để tiếp tục tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai kế hoạch đầu tư công. Các chủ đầu tư tập trung thực hiện giải ngân để đạt được kết quả như đã cam kết với UBND TP (giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao) và tăng cường công tác chuẩn bị dự án để bảo đảm đủ điều kiện bố trí vốn khởi công mới năm 2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần