Hà Nội quán triệt Nghị quyết T.Ư 11 cho đội ngũ cán bộ chủ chốt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/6), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt Nghị...

Kinhtedothi - Sáng nay (5/6), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 37 ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh đến một số vấn đề các đại biểu cần tập trung nghiên cứu, thảo luận. Đó là về phương hướng công tác nhân sự T.Ư khóa XII, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng.
Hà Nội quán triệt Nghị quyết T.Ư 11 cho đội ngũ cán bộ chủ chốt - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Theo đó, T.Ư đã thống nhất xác định tiêu chuẩn ủy viên T.Ư; tiêu chuẩn ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trong đó nhấn mạnh các đồng chí được lựa chọn tham gia Ban Chấp hành phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu chấp hành các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm"… Đồng thời, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, xác định số lượng và cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và đổi mới; thống nhất về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự và một số chủ trương cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XII.

Trên cơ sở Điều lệ Đảng và kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước, T.Ư cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 68 đảng bộ trực thuộc T.Ư. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc T.Ư, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, T.Ư đánh giá việc đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó nhấn mạnh, chính quyền nông thôn cần được chú trọng nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp TP với thị xã, quận, phường; tổ chức và hoạt động của chính quyền các khu hành chính – kinh tế đặc biệt cần được quy định trong một đạo luật riêng. Trên cơ sở thống nhất về mô hình chính quyền địa phương, cần tập trung tinh giản bộ máy, biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; đổi mới, quy định thật rõ việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của cấp trên đối với cấp dưới, tăng thẩm quyền HĐND và nâng cao chất lượng đại biểu HĐND các cấp…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Về Dự án cảng hành không quốc tế Long Thành, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, T.Ư tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành đã được Hội nghị T.Ư 4 khoá XI (tháng 12/2011) đề ra, coi  đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, T.Ư yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia để hoàn thiện và nâng cao chất lượng Đề án.

Về việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các đại biểu cần tập trung khẳng định, làm rõ vị trí, vai trò của công tác lý luận, qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng, yêu cầu mới của công tác lý luận trong điều kiện tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng giao Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan cụ thể hoá những vấn đề của TP và các địa phương, đơn vị, triển khai nghiên cứu, quán triệt và thực hiện; đồng thời có những đề xuất, liên hệ với việc đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ Đại hội 2010 - 2015, nêu lên những kinh nghiệm, bài học phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trong công tác lý luận ở TP và các địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tiếp đó, hội nghị đã được nghe Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI).