Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Quy định dạy thêm, học thêm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết số 22/2013/QĐ–UBND ngày 25/6/2013 về quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 8/4/2011.

Mức thu, chi học phí

a/Trường THCS: với lớp có từ 40 học sinh (HS) trở lên thu 6.000 đồng/HS/tiết; Từ 30 đến 40 HS/lớp mức thu là 7.000 đồng/HS/tiết; từ 20 đến 30 HS/lớp, thu 9.000 đồng/HS/tiết; lớp từ 10 đến 20 HS/lớp thu 13.000 đồng/HS/tiết và từ 1 đến 10 HS/lớp thu là 26.000 đồng/HS/tiết.

b/ Trường THPT: Với lớp có từ 40 HS trở lên thu 7.000 đồng/HS /tiết; Từ 30 đến 40 HS/lớp mức thu là 8.000 đồng/HS/tiết; từ 20 đến 30 HS/lớp, thu 10.000 đồng/HS/tiết; lớp từ 10 đến 20 HS/lớp thu 16.000 đồng/HS/tiết và từ 1 đến 10 HS/lớp thu là 32.000 đồng/HS/tiết. Mức thu học phí học thêm do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Trong đó, mức thu tiền học thêm tối đa hàng năm theo tỷ lệ với mức lương tối thiểu tại cùng thời điểm.

Hà Nội: Quy định dạy thêm, học thêm - Ảnh 1

Ảnh có tính chất minh họa.

 

Theo quyết định, số tiền thu dạy thêm, học thêm để dùng chi theo tỷ lệ: 70% thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy; 15% chi công tác quản lý dạy thêm, học thêm của trường; 15% hỗ trợ chi phí tiền điện, nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm. Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm, dạy thêm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ – CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực  hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định hiện hành.

Quyết định cũng yêu cầu, nhà trường tổ chức thu, chi và công khai minh bạch, quyết toán tiền học thêm, thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông quan Hội đồng giáo dục nhà trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, thực hiện theo khoản 2, Điều 7 của Thông tư 17/2012/TT -BGDĐT của Bộ GD-ĐT.

Cấp phép hoạt động

Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Giám đốc Sở GD&ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình THPT hoặc nội dung nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là THPT.

Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền cho Trưởng phòng GD&ĐT cấp  giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc THCS.

Quyết định cũng quy định: Thời hạn, gia hạn, thu hồi, thay đổi nội dung giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; tạm ngừng, đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm… Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thay đổi hoặc mở thêm địa điểm; thay đổi giám đốc trung tâm, thay đổi giáo viên dạy thêm, xin gia hạn giấy phép phải báo cáo bằng văn bản, bổ sung hồ sơ và được đơn vị cấp phép cho phép mới được hoạt động.

Khen thưởng – xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định dạy thêm, học thêm và được các cơ quan quản lý giáo dục, đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giao dục, ủng hộ quỹ khuyến học và các hoạt động xã hội thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, cán bộ công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 34/2011/NĐ – CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ và Nghị định số 27/2012/NĐ – CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức và các quy định hiện hành.

Cơ sở GD, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định dạy thêm, học thêm dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.