Sáng nay (5/11), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì Hội nghị Đoàn giám sát của HĐND TP về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND về quy hoạch (QH) phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai, lãnh đạo các Ban và Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, lãnh đạo một số sở ngành liên quan.
Nhiều chỉ tiêu, đề án chậm tiến độ
Tại đây, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau khi giám sát thực tế một số quận, huyện trên địa bàn TP, Đoàn nhận thấy qua 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND của HĐND TP, văn hóa Hà Nội đang phát triển đúng định hướng, bảo đảm bền vững, có hiệu quả. TP đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, đổi mới phương thức hoạt động. Đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ Thủ đô được chăm lo hơn; hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc; phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển. Đời sống văn hóa Nhân dân Thủ đô cũng có chuyển biến tích cực, rõ nét; nhiều công trình văn hóa được tu bổ, xây dựng; dân trí được nâng cao…
Tuy nhiên, các ý kiến Đoàn nhận định, qua giám sát cũng thể hiện một số tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đó là việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức triển khai thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm, chưa đồng bộ, còn nhiều lúng túng; đến nay còn 6/20 chỉ tiêu không hoàn thành, 5/23 đề án và 10/14 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch, nhất là hệ thống tượng đài, bảo tàng và một số công trình trọng điểm chưa được triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ so với QH phát triển văn hóa của TP. Đầu tư nguồn lực phát triển văn hoá cũng dàn trải, chưa tương xứng tiềm nặng, lợi thế của Thủ đô và chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành. Tỷ lệ ngân sách TP đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn mới đạt 0,83% tổng vốn đầu tư XDCB của TP; nguồn lực chi thường xuyên bố trí cho lĩnh vực văn hóa chỉ chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách TP; định mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa của cấp TP và cấp huyện còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển văn hóa cũng đạt hiệu quả chưa cao, trong khi quy trình thủ tục đầu tư cho các dự án XHH phức tạp, kéo dài mà tỷ suất lợi nhuận thấp, nên chưa thu hút tổ chức và DN đầu tư vào hoạt động văn hóa.
Đặc biệt, số lượng di tích xuống cấp nhiều nhưng thiếu nguồn lực kinh phí bảo quản, tu bổ (mới có 1.340/1.845 di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo, đạt 72%). Việc quản lý di tích ở một số quận, huyện, thị xã còn lỏng lẻo; công tác tu bổ ở một số di tích chưa được quan tâm quản lý đúng mức, còn hiện tượng Nhân dân tự ý đứng ra tu bổ, tự ý phá di tích cổ để làm mới, nhất là tại các di tích chưa xếp hạng. Trong khi, thời gian thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt việc tu bổ di tích ở một số dự án còn kéo dài, quy trình phức tạp.
Đoàn giám sát cũng đánh giá, hệ thống thiết chế văn hóa từ TP đến cơ sở còn thiếu, chưa QH đồng bộ. Các thiết chế văn hóa cấp TP xuống cấp, chưa có thiết chế mang tính biểu trưng, tương xứng vị thế của Thủ đô. Một số công trình văn hóa được xây dựng đã lâu, đang xuống cấp (Cung Văn hóa Thể thao (VHTT) thanh niên Hà Nội, Nhà Văn hóa HS-SV Hà Nội…) Hệ thống thiết chế cơ sở thì chưa hoàn thiện; thiếu nhiều trung tâm văn hóa (TTVH) cấp xã, nhà văn hóa (NVH) thôn, làng tổ dân phố. Hiện mới có 136/579 NVH xã, phường, thị trấn, chiếm 23,5%, trong đó có 4/17 huyện và 5/12 quận chưa có NVH xã, phường nào, không đạt chỉ tiêu đề ra.
Các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố được xây dựng đã lâu, đầu tư chủ yếu là sửa chữa nhỏ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành; tới một nửa NVH xã, phường không đảm bảo diện tích theo tiêu chí được quy định, trong khi việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, thiết chế VHTT nhất là tại cơ sở chưa phát huy hết tiềm năng. Đồng thời, cơ chế chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chậm ban hành, sửa đổi; việc phân công, phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước cho cấp huyện còn bất cập trong phân cấp đầu tư cho các di tích trên địa bàn TP...
Chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan của các tồn tại hạn chế đã nêu, Đoàn giám sát cũng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, nhất là đối với UBND TP, các sở, ngành liên quan và quận, huyện trên địa bàn TP để tới đây thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND.
Nêu cao trách nhiệm, phối hợp đồng bộ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng khẳng định, UBND TP tiếp thu các ý kiến Đoàn giám sát, sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có giải pháp khắc phục sớm và nhấn mạnh, nhiều chỉ tiêu trong thực hiện Nghị quyết 11 chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, về nội dung QH, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các công trình di tích văn hóa; QH, xây dựng các công trình văn hóa để tiến tới thực hiện công nghiệp VH trên địa bàn TP đã được UBND TP đã giao Sở VH&TT chậm nhất trong tháng 12/2021 chủ trì phối hợp các sở ngành xây dựng này và yêu cầu tập trung làm nghiêm túc.
“Sở VH&TT báo cáo sâu sắc hơn kết quả thực hiện Nghị quyết trong đó đánh giá các chỉ tiêu, tồn tại và nguyên nhân chủ quan, nhận diện rõ bức tranh toàn cảnh QH phát triển văn hóa trên địa bàn TP hiện nay, mới đưa ra được giải pháp rõ ràng. Cần có thống nhất, liên thông, liên tục trong thực hiện phát triển văn hóa tại các ngành trong đó ngành văn hóa chủ trì. Nếu nhận thức được đúng đắn ảnh hưởng tích cực của văn hóa đối với con người thì việc thực hiện sẽ có trách nhiệm cao hơn, sự đầu tư đồng bộ hơn”- Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, đang trong quá trình triển khai sửa đổi Luật Thủ đô, UBND TP và các sở ngành liên quan cần phân tích những cơ chế chính sách nào có thể là đặc thù để tạo đột phá riêng có cho phát triển văn hóa của Thủ đô thì cần đề xuất vào sửa đổi Luật này, nhằm được thực hiện ngay.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, việc thực hiện QH phát triển văn hóa Hà Nội đạt hiệu quả cao hơn chính nhằm mục đích cuối cùng là quan tâm chăm lo tốt nhất cho đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của Nhân dân. Qua 9 thực hiện Nghị quyết 11/2012-HĐND, ý thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân đã được nâng lên nhiều; nhiều hình thức tuyên truyền phong phú; hệ thống thiết chế văn hóa so với những năm trước cũng được hoàn thiện hơn; số di tích được xếp hạng đã tăng lên; hệ thống sân chơi, vườn hoa ở những khu dân cư đông được quan tâm đầu tư…
Song, trước những hạn chế đã chỉ ra, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP khẩn trương đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Nghị quyết để đề xuất cần tiếp tục thực hiện nữa hay không, theo các giải pháp cụ thể, trên cơ sở quy định pháp luật đề xuất giải pháp thực hiện nội dung QH văn hóa cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng tiếp theo. TP cũng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế, chính sách về văn hóa cho phù hợp, cụ thể là trình HĐND TP ban hành cơ chế chính sách liên quan đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác tổ chức hoạt động NVH, khu thể thao từ cấp TP đến cơ sở đảm bảo hiệu quả; tham mưu Nghị quyết của HĐND TP về phân cấp quản lý KT-XH trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Cùng đó, đề nghị TP quan tâm dành quỹ đất cho xây dựng các thiết chế VH-TT; tăng nguồn lực đầu tư, cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp và thu hút huy động tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực XHH cho phát triển văn hóa… Trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Sở KH&ĐT cần quan tâm để hoàn thiện các thiết chế văn hóa các cấp như sớm đầu tư xây mới Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ; đầu tư các dự án chuyển tiếp (Khu hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội, Cung VHTT Thanh niên Hà Nội…). Sở QH-KT cần khẩn trương trình UBND TP phê duyệt QH chi tiết 1/500: Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông); phê duyệt điều chỉnh QH khoanh vùng bảo vệ di tích Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây); phối hợp các quận, huyện tập trung thực hiện xây dựng QH phân khu; điều chỉnh QH chung xây dựng Thủ đô.
Về trách nhiệm của các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị Sở VH&TT phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, cơ chế, chính sách về văn hóa cho phù hợp điều kiện thực tiễn và các quy định hiện hành; tham mưu UBND TP phối hợp chặt chẽ Bộ VH-TT&DL trong quá trình lập QH mạng lưới cơ sở VH&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.