Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai

Thanh Hải - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 7/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông báo cáo giải trình làm rõ Kết quả thực hiện một số nội dung Nghị quyết, kết luận, những cam kết, lời hứa của UBND TP  và các cơ quan tại các phiên chất vấn của HĐND TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại Kỳ họp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại Kỳ họp.

Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các Kế hoạch khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 91,5%

Kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân đến ngày 15/11/2023 được 30.133,7 tỷ đồng, đạt 64,2% Kế hoạch Trung ương giao (46.956 tỷ đồng) và 56,7% kế hoạch Thành phố giao (53.105 tỷ đồng). Ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 được 48.600 tỷ đồng đạt 91,5% kế hoạch Thành phố giao và 103,5% kế hoạch Trung ương giao.

Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân đến ngày 15/11/2023 được 1.884,8 tỷ đồng đạt 44,3% kế hoạch (4.256,6 tỷ đồng). Ước giải ngân đến hết năm được 4.020 tỷ đồng, đạt 94,4% kế hoạch.

Do thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài còn rất ít, để đạt tiến độ theo yêu cầu, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị phải tập trung hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công. Hiện nay, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành theo kế hoạch được giao.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp. 
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp. 

Đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, có 330 dự án (chiếm 46,3%) đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (đã đưa đất vào sử dụng; đã, đang tham mưu trình thu hồi, chấm dứt dự án;...). Kết quả 6 tháng cuối năm 2023 tăng 55 dự án so với kết quả giữa năm 2023 (275 dự án).

Có 350 dự án (chiếm 49,2%), UBND TP đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng. Kết quả 6 tháng cuối năm 2023 tăng 206 dự án so với kết quả giữa năm 2023 (144 dự án).

Có 32 dự án (chiếm 4,5%) còn phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả 6 tháng cuối năm 2023: giảm 261 dự án so với giữa năm 2023 (293 dự án). Dự kiến hoàn thiện xong trong tháng 12/2023.

Đối với 9 dự án, nhóm dự án được HĐND TP chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP, UBND TP đã chỉ đạo, các Sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành đúng theo tiến độ đã cam kết.

Cụ thể, hoàn thành trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023 đối với 3 dự án, nhóm dự án: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Cải tạo công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất; 04/08 dự án thoát nước và xử lý nước thải (03 dự án đang trình HĐND TP để xem xét, phê duyệt tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP; 1 dự án sẽ tiếp tục báo cáo HĐND TP để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư).

Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông. Hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư tại 148 Giảng Võ, quận Ba Đình.

Các dự án còn lại, UBND TP  đang quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đối với Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); Đẩy nhanh công tác lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Châu Can sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đẩy nhanh công tác thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong; Đẩy nhanh công tác lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa tỷ lệ 1/500.

Đối với các nội dung, vấn đề khác về xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá; ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính; phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng các nền tảng dùng chung và trung tâm dữ liệu mới của Thành phố; gói thầu dịch vụ vận chuyển vệ sinh môi trường; sửa đổi quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị; xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; cải thiện chỉ số gia nhập thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp; khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến việc đấu giá quyền thuê tầng 1 tại các tòa nhà chung cư; hoàn thiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở và cấp huyện… UBND TP đã ban hành các kế hoạch triển khai, văn bản chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.

Các đại biểu HĐND TP tham dự Kỳ họp. 
Các đại biểu HĐND TP tham dự Kỳ họp. 

Bên cạnh đó, vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa đảm bảo tiến độ và yêu cầu, mong muốn của HĐND TP, UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá các tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để từ đó chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Đối với các nội dung, công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương hoặc phát sinh trong hoạt động thực tiễn, chưa có quy định của pháp luật, UBND TP giao các Sở, ngành rà soát, tổng hợp, tham mưu văn bản của UBND TP đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn hoặc tổng hợp vào dự thảo Luật trong quá trình xem xét, điều chỉnh.

Đẩy nhanh việc triển khai chuyển đổi số  

Về công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết TP đã ban hành các Kế hoạch về chuyển đổi số xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2023; về tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; về cải thiện chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2023; về khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 về việc triển khai Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội trong năm 2023.

Đồng thời, UBND TP đã ban hành các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Thành phố; ban hành Danh mục dữ liệu mở của Thành phố; ban hành Quyết định bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND Thành phố; thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số Thành phố và thành lập Tổ công tác thúc đẩy chuyển đổi số giúp việc Ban Chỉ đạo.

Để hỗ trợ tối đa và khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, UBND TP đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến; thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2025. Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định mức thu này.

Để đẩy nhanh việc triển khai chuyển đổi số của Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 13/10/2023 về việc tăng cường trách nhiệm, tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN) đến 579/579 xã, phường, thị trấn; tích hợp mạng WAN của Thành phố vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ; kết nối mạng tin học UBND Thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ; tiếp tục duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội và tổ chức thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền điện tử; chỉ đạo rà soát đối với một số huyện (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì) khó khăn về nguồn lực để hỗ trợ bổ sung, nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin tại trụ sở UBND và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

UBND TP cũng đã giao các Sở, ngành triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin. Việc tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cũng đang được các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố triển khai. Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố đã thực hiện mở dữ liệu.

Trong công tác phát triển các ứng dụng, dịch vụ, Thành phố đã đưa vào vận hành thử Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 11/4/2023 và triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, trong đó đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố và gần 39.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử; đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành; đã kết nối với VNPost, kết nối tổng đài, tin nhắn SMS Brandname phục vụ cho Hệ thống nhắn tin đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.

Thành phố đã thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố với các Bộ, ngành theo quy định. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan của Thành phố được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc.

Thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của Thành phố (như: Hệ thống quản lý cuộc họp của UBND Thành phố, Ban cán sự đảng UBND Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo) nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 03 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương.