Chưa thấy hình hài điệnNhư những gì sử sách ghi lại, Điện Kính Thiên trong Hoàng Thành Thăng Long là di tích trung tâm, cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự, được xây dựng đầu thế kỷ XV. Mỗi triều đại, Điện Kính Thiên lại trải qua nhiều lần tu sửa. Nhưng đến khoảng đầu thế kỷ XIX, công trình này bị phá hủy, nên những gì sót lại cho đến ngày nay chỉ là bậc thềm rồng và nền điện.Sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 2010), các nhà khoa học và các nhà quản lý đều chung suy nghĩ là tập hợp tài sức để nghiên cứu và phục dựng cho được Điện Kính Thiên. Tại cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho rằng, đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên đã đạt được một số kết quả về sưu tầm tư liệu, hiện vật khảo cổ, khảo cổ học, xây dựng khung nội dung, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Trên thực tế, trong 10 năm qua, Viện Khảo cổ học phối hợp với các cơ quan khai quật phía trước của thềm Điện Kính Thiên, các nhà chuyên môn đã làm rõ được quy mô của sân Long Trì và hệ thống Trường Lang, đi dọc từ Đoan Môn vào đến chính Điện Kính Thiên; đã làm rõ một số cấu trúc, kiến trúc trên mái của thời kỳ Lê Sơ, Lê Trung Hưng của khu vực Trung tâm Cấm thành Thăng Long.Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, tiến độ nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên đang quá chậm. Bởi vì, tất cả những kết quả nghiên cứu trong 10 năm qua vẫn chưa biết được quy mô của Điện Kính Thiên, chưa biết được kích thước của từng gian và số gian trong điện. Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ký phê duyệt Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên thuộc Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long. Trong Đề án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị đẩy nhanh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu tư liệu tạo cơ sở khoa học để báo cáo, đề xuất UBND TP về phục dựng Điện Kính Thiên trong năm 2016. Nhưng rồi từ năm 2016 đến nay Đề án vẫn nằm ở bước nghiên cứu, chưa sang giai đoạn báo cáo phục dựng. Chính vì vậy, diện mạo, kiến trúc Điện Kính Thiên còn rất mơ hồ, chưa có gì cụ thể.Quyết tâm phục dựngCuộc làm việc của Thành ủy Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội hồi cuối tháng 2/2021 được coi là tín hiệu vui cởi trói cho những khó khăn của các dự án đang giậm chân tại chỗ của Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội nhiều năm nay, trong đó có dự án đầu tư phục dựng Điện Kính Thiên. Trong các đề xuất ở giai đoạn tiếp theo, tại phần dự án phục dựng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội chỉ nhấn mạnh đến dự án đầu tư phục dựng Điện Kính Thiên. Trong đó dự án chia 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2020 - 2025) hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; giai đoạn 2 (2025 - 2030) triển khai thực hiện dự án. Tổng kinh phí đầu tư của dự án này dự kiến khoảng 2 nghìn tỷ đồng.Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng thuận chia dự án làm 2 giai đoạn, nhưng phải đẩy nhanh tiến độ các giai đoạn; đặc biệt là lưu ý lựa chọn phục dựng điện ở thời gian nào. “Không hy vọng phục dựng Điện Kính Thiên thời Lý (thời khởi dựng điện) vì còn quá ít tư liệu lịch sử để so sánh và tham khảo. Với ý tưởng phục dựng điện thời Lê như hiện nay cũng còn có cơ sở” - GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết. Ngoài ra, GS Trần Đức Cường cho rằng, nhiều năm qua đã tiến hành khảo cổ, khai quật diện tích xung quanh Điện Kính Thiên. Để thêm có những tư liệu, cứ liệu lịch sử thì cần tạo điều kiện mở rộng diện tích khai quật có dấu tích về điện, để có công trình nghiên cứu không gian điện nói chung. GS Lưu Trần Tiêu thì đặc biệt nhấn mạnh cần tham khảo tư liệu về điện Cần Chánh ở Huế.Giới chuyên gia về khảo cổ, sử học và nghiên cứu di sản tin tưởng rằng, nếu có sự chung sức, quyết tâm của các nhà khoa học, cơ quan quản lý thì trong 5 năm tới có thể hoàn thành công tác nghiên cứu và 5 năm tiếp theo để phục dựng Điện Kính Thiên.