Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội quyết tâm điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách đúng lộ trình

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/12, Sở GTVT Hà Nội đã trực tiếp đối thoại với những DN, cá nhân phản đối kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến vạn tải hành khách liên tỉnh (VTHKLT) giữa các bến xe trên địa bàn TP.

Sau khi mời các DN đến đối thoại vào ngày 30/12 không thành, ngày 31/12, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục mời một số DN phản đối kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến VTHKLT đến trực tiếp đối thoại, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của đơn vị.

Tham dự cuộc họp có đại diện của 25 đơn vị và DN kinh doanh VTHKLT, quản lý và khai thác bến bãi đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, theo định hướng quy hoạch luồng tuyến VTHKLT đã được Bộ GTVT phê duyệt, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến cụ thể và được Bộ GTVT thống nhất vào ngày 30/12.
 Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, đợt này Sở sẽ tiến hành điều chỉnh 691 nốt với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Sở GTVT Hà Nội cũng đã gửi Thông báo đến các Sở đối lưu cũng như các Hiệp hội, DN vận tải liên quan. Thời gian thực hiện điều chỉnh chính thức bắt đầ từ 0 giờ ngày 2/1/2017.

Một số đại diện DN tỏ ra lo ngại: “Liệu Bến xe Nước Ngầm có đủ diện tích để đáp ứng lượng luồng tuyến lớn như vậy? Hơn nữa Bến xe này lại nằm ngay tại khu vực nút giao phức tạp Pháp Vân - Nước Ngầm, thường xuyên xảy ra UTGT, liệu có đảm bảo hoạt động cho các tuyến VTHKLT?”.

“Bến xe Nước Ngầm rất vắng khách lại có giá dịch vụ quá cao, gấp từ 5 - 6 lần số với các bến xe khác, trong bối cảnh đó, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có khả năng phá sản nếu buộc phải chuyển về đây. Hơn nữa thời gian điều chuyển lại quá gấp, phải xong trước ngày 10/1, các DN khó lòng đáp ứng kịp”.

Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại Thiên Trường Đậu Xuân Ngọc đề nghị: “Khi có sự điều chuyển, cơ quan chức năng phải cho DN khoảng thời gian 24 tháng theo đúng Thông tư 63 để chuẩn bị các điều kiện cần thiết”.
 Toàn cảnh cuộc họp chiều 31/12
Trước những băn khoăn, lo lắng của DN, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định: “Việc điều chuyển luồng tuyến là để phục vụ mục tiêu giảm UTGT, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT cho Thủ đô. Bến xe Mỹ Đình được mở khi chưa sát nhập Hà Tây (cũ) về Hà Nội. Nay sau khi sát nhập bến xe cũng như đường Vành đai 3 không còn phù hợp quy hoạch chung. Do đó TP buộc phải có những điều chỉnh hợp lý với giai đoạn hiện tại và lâu dài”.

Ông Viện đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các DN trong suốt thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn đầu Bến xe Mỹ Đình đi vào hoạt động. “Tuy nhiên, việc điều chỉnh không thể không thực hiện vì lợi ích chung của TP, nhằm sắp xếp lại mạng lưới VTHKLT nói riêng, giao thông vận tải nói chung. Sở cam kết sẽ công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích tất cả các bên trong quá trình điều chỉnh” – ông Viện nói.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang thông tin thêm, về vấn đề lệ phí bến, khả năng tiếp nhận của từng bến xe cũng như phương án tổ chức giao thông cụ thể, Sở sẽ có những tính toán cụ thể, điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên và phát huy hiệu quả của quy hoạch.

"Việc điều chỉnh vào đúng dịp Tết sắp tới là khó khăn nhưng cũng chính là một cơ hội để các DN có thể kêu gọi hành khách theo xe của mình, đến bến xe mới. Chúng ta cần cố gắng thực hiện một cách nhanh gọn nhất, sớm ổn định luồng tuyến để đảm bảo phục vụ hành khách, Nhân dân và việc kinh doanh của mỗi DN. " - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện