70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội quyết tâm giải bài toán ô nhiễm môi trường

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những thách thức về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng báo động, Hà Nội đang tập hợp các giải pháp và nguồn lực để giải quyết vấn đề này, kết quả bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này có thể thấy rõ sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 11 - NQ/TU, ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Nhằm giảm ô nhiễm môi trường do chất thải xây dựng gây ra, Hà Nội đã và đang cho xây dựng các trạm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền. Ảnh: Vũ Lê
Đồng bộ các giải pháp
Theo báo cáo của UBND TP, sau một năm Nghị quyết số 11 - NQ/TU được ban hành đến nay đã có 38 sở, ngành, quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết thực hiện. Việc xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng dần hoàn thiện. Đặc biệt, năng lực quản lý nhà nước, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng đã được nâng cao.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở TN&MT đã tiếp tục thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 22 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen" về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Từ nay đến cuối năm, Sở TN&MT tiếp tục phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm đen để đề xuất phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm.
Không chỉ chú trọng nâng cao công tác quản lý, Hà Nội còn đồng thời thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn để cải thiện môi trường. Hiện, TP đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất được mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn từ 34 - 37 trạm quan trắc. Đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, kết quả được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân được theo dõi chất lượng không khí hàng ngày của Thủ đô. Đồng thời, triển khai thực hiện thí điểm thành công mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ tại huyện Đan Phượng và Đông Anh, từ đó nhân rộng mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ trên toàn địa bàn TP trong năm 2018.
Đáng chú ý, triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, trong 7 tháng đầu năm đến nay, toàn TP đã trồng được gần 342.000 cây xanh. Tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã trồng được hơn 844.000 cây xanh, đạt 84,4% mục tiêu Chương trình. Ngoài ra, TP cũng đang triển khai trồng cây keo tạo không gian xanh, giúp cải tạo môi trường trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn TP.
Trong khuôn khổ Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trưòng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”, TP cũng đã triển khai 6 nhóm giải pháp với 45 nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Bên cạnh đó, TP cũng tập trung phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; quản lý thống nhất việc sửa chữa, cải tạo đường sá và các hệ thống công trình ngầm trên địa bàn TP; áp dụng các công nghệ mới trong đầu tư xây dựng để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thiểu ô nhiễm; xây trạm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền;...
Tiếp tục dành nguồn lực đầu tư
Trong thời gian qua, Hà Nội đã bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả về bảo vệ môi trường TP. Kết quả rà soát mới đây cho thấy, năm 2017, tổng số chi sự nghiệp môi trường ngân sách TP là 13,528 tỷ đồng và năm 2018 là 24,015 tỷ đồng. Chủ trương của TP là ưu tiên thực hiện các dự án về xử lý môi trường cấp bách, gồm: Hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và hệ thống thoát nước động lực phía Tây Nam quận Hà Đông.
Các sở, ngành cũng đã tổng hợp xây dựng kế hoạch đầu tư, đề xuất UBND TP trình HĐND TP quyết nghị bổ sung danh mục Dự án mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn theo quy hoạch với tổng kế hoạch vốn trung hạn là 1.158 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm của TP được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm vận hành trước năm 2020 như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Nhà máy xử lý rác thải Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ; Nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. UBND TP cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng quy mô 500 tấn/ngày của Công ty TNHH Indovin Povver tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai thu hút DN có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, bức xúc của Thủ đô; sử dụng nguồn vốn của DN trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của TP và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn TP năm 2019.
Ngoài ra, TP tiếp tục triển khai chương trình hợp tác với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) rà soát và hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí cho TP Hà Nội. Đồng thời, phối hợp với nhóm các TP dẫn đầu về khí hậu (C40) để thực hiện các nội dung về cải thiện không khí và khí hậu trong khuôn khổ Dự án TP đáng sống và khỏe mạnh. Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp với Đại học Osaka (Nhật Bản) xử lý thí điểm mỡ thải lò mổ để nhân rộng trên địa bàn TP...