Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội quyết tâm giữ vị trí cao về ứng dụng CNTT

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để duy trì vị trí thứ 2 trong bảng đánh giá xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT, một trong những điểm nhấn mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ công dân và doanh nghiệp.

 
Hà Nội quyết tâm giữ vị trí cao về ứng dụng CNTT - Ảnh 1
 
Ông Tô Văn Động. Ảnh: VGP/Việt Hà
 
Theo báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, Hà Nội xếp vị trí thứ 2 về mức độ ”Ứng dụng CNTT tổng  thể”. Phóng viên vừa có cuộc phỏng vấn ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, về kết quả xếp hạng này.
 
Thưa ông, so với năm 2011, vị trí xếp hạng về ứng dụng CNTT của Hà Nội đã có những cải thiện đáng kể. Ông có thể phân tích rõ hơn những tiêu chí về kết quả xếp hạng lần này?
 
Ông Tô Văn Động: Kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin là kết quả đánh giá thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông, ghi nhận quyết tâm và nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn vừa qua.
 
Theo đó, Hà Nội đã có những cải thiện đáng kể về cả xếp hạng tổng thể cũng như các tiêu chí thành phần.
 
Đối với hạ tầng kỹ thuật CNTT, trong các năm vừa qua, thành phố Hà Nội tập trung đầu tư hoàn thiện, thiết lập về cơ bản, đảm bảo đi trước một bước, tạo điều kiện cho việc phát triển các hệ thống thông tin, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước thành phố Hà Nội. Hiện nay có 92% cán bộ, công chức của Hà Nội được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ; 100% máy tính kết nối mạng Internet; Hạ tầng mạng diện rộng (WAN) của Thành phố được kết nối đến các sở, ban, ngành, quận, huyện. Đặc biệt, Trung tâm Dữ liệu Thành phố được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp độ 3 và được đưa vào sử dụng cuối năm 2012.
 
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ cơ quan, tính đến hết năm 2012, có 21/22 sở, ban, ngành và 29/29 UBND quận, huyện đã cài đặt phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Ngoài ra, các phần mềm phục vụ nghiệp vụ cơ bản cũng được triển khai đưa vào sử dụng; một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được đầu tư, triển khai.
 
Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, hiện tại có 20/24 sở, ban, ngành, 29/29 UBND quận, huyện, thị xã có Trang thông tin điện tử, 52 dịch vụ công  trực tuyến mức độ 3 và 1 dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã hoàn thành, cung cấp trực tuyến và đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua mạng. Một số đơn vị UBND quận, huyện, thị xã đã có hỗ trợ tra cứu trạng thái giải quyết thủ tục hành chính trên trang Trang thông tin điện tử. Hiện nay Hà Nội có 18/21 sở, ban, ngành và 100% UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm “một cửa điện tử”; 11 quận, huyện đã triển khai phần mềm “Một cửa” xuống tất cả các xã, phường trực thuộc.
 
Về tiêu chí đánh giá Website/Portal, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đã được đầu tư cải thiện về năng lực đáp ứng công nghệ cũng như cải tiến nội dung thông tin. Cùng với việc đăng tải hàng nghìn tin bài thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành Thành phố và tiếp nhận, xử lý gần hàng trăm câu hỏi, ý kiến của công dân, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đã kết nối 30 dịch vụ hành chính công mức độ 3 trên internet. Thực hiện cập nhật phiên bản tiếng Anh đối với các thủ tục hành chính có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
 
Xin ông cho biết để có được vị trí xếp hạng này, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai cải thiện lĩnh vực CNTT  như thế nào?
 
Ông Tô Văn Động: Các dự án CNTT đa phần đều rất phức tạp, các văn bản qui định liên quan đến lĩnh vực CNTT còn đang trong quá trình hoàn thiện, nên các dự án CNTT thường có thời gian triển khai kéo dài và phải qua một thời gian nhất định mới phát huy được hiệu quả.
 
Do đó, trước hết, xin khẳng định: Mặc dù việc triển khai ứng dụng CNTT trong năm 2012 của thành phố Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đối với kết quả xếp hạng, nhưng phải nhìn nhận đây là kết quả của cả một quá trình triển khai ứng dụng CNTT của Thành phố trong vài năm gần đây, chứ không chỉ phản ánh kết quả của riêng năm 2012.
 
Từ năm 2009, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về việc ứng dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội Thành phố. Đồng thời, hằng năm, thành phố Hà Nội đều xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT với các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung rất cụ thể.
 
Năm 2012, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015, là một trong số hai chương trình mục tiêu của riêng thành phố Hà Nội. Và cuối năm 2012, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là những văn bản hết sức quan trọng, định hướng cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong các giai đoạn tiếp theo.
 
Trong những năm qua thành phố Hà Nội vẫn tập trung triển khai theo định hướng chung của Chính phủ về ứng dụng CNTT, với bốn trụ cột chính là Hạ tầng CNTT, Ứng dụng CNTT, Nhân lực CNTT và Xây dựng cơ chế chính sách.

Xin ông cho biết, để duy trì và tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng này, Hà Nội sẽ làm gì xác định những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong thời gian tới?

Ông Tô Văn Động: Ngoài việc tiếp tục duy trì và cải thiện vị trí xếp hạng của các tiêu chí đã có thứ hạng cao, thành phố Hà Nội sẽ tập trung tìm giải pháp, ưu tiên đầu tư để hoàn thiện và từng bước nâng cao chỉ số đối với các tiêu chí còn ở vị trí chưa cao như: công tác đảm bảo an  toàn, an ninh  thông tin (hiện đang xếp vị trí 11) và Xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT (hiện đang xếp ở vị trí 7).
 
Thành phố Hà Nội cũng đã và đang triển khai các nội dung rất cụ thể cho các vấn đề này như xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2013-2015, hoàn thiện một loạt các văn bản, qui định quản lý, các cơ chế, chính sách (qui định điều hành chương trình CNTT, qui định đảm bảo an toàn thông tin, qui định khai thác trung tâm dữ liệu, qui định đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT, qui định trao đổi văn bản điện tử...)
 
Ngoài ra, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ xác định trọng tâm là triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015.
 
Cụ thể năm 2013, công tác ứng dụng CNTT của Thành phố sẽ chọn điểm nhấn làm quyết liệt, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo, trong đó tập trung vào: đồng bộ hạ tầng CNTT, tăng cường việc triển khai quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp và chuyển nhận văn bản điện tử, tăng cường các cuộc họp giao ban trực tuyến và đặc biệt là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ công dân và doanh nghiệp.
 
Khó khăn và thách thức trong giai đoạn tới là rất lớn, do đó chúng tôi cho rằng cần sự quyết tâm, nỗ lực của các nhiều cấp nhiều ngành, gắn chặt hơn nữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; cần phải coi kết quả ứng dụng CNTT là nội dung quan trọng trong đánh giá mức độ cải cách hành chính và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị. Đồng thời, cần phải thu hút được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu về CNTT, tận dụng được kinh nghiệm về triển khai ứng dụng CNTT trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn ông!