Hà Nội: Rau xanh tại chợ truyền thống tăng giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi UBND TP Hà Nội có Công điện số 15 về tăng cường biện pháp phòng dịch Covid-19, giá rau xanh tại các chợ truyền thống tăng nhẹ, trong khi siêu thị vẫn giữ mức bình ổn.

Giá rau tăng nhẹ
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá mặt hàng rau, củ quả đã tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thông tin, vài hôm trước bí xanh được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng hiện đã tăng lên mức 25.000 đồng/kg; Rau cải từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, rau muống từ 5.000 - 6.000 đồng/bó, hiện được bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/bó, cà chua từ 15.000 đồng/kg nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, mướp đắng tăng lên 17.000 đồng/kg, mướp hương lên 20.000 đồng/kg.
Chị Thanh Hiền ở đường Trần Hữu Tước (quận Đống Đa) than phiền, ngày thường một bông súp lơ bé chỉ có giá khoảng 6.000 - 10.000 đồng, nay đã tăng lên 15.000 đồng; ngay cả mặt hàng khoai tây cũng tăng từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg.
 Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Vinmart

Dù các chợ truyền thống tăng giá, nhưng các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán mặt hàng rau, củ quả. Tại siêu thị Big C  Thăng Long, Vinmart Thăng Long (quận Cầu Giấy), Hapro Thành Công (quận Ba Đình) giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg… và được bán với số lượng không giới hạn.
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau, củ quả tăng giá, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này có chung ý kiến, những ngày gần đây mặt hàng bí xanh, bí đỏ tăng giá khá mạnh do các đầu mối cung ứng rau xanh tăng lượng hàng vận chuyển vào các tỉnh phía miền Nam qua đó hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh không thiếu rau, củ quả trong thời gian giãn cách phòng chống Covid-19. Ngoài ra người dân tại một số khu vực có các ca mắc Covid-19 do lo ngại cơ quan chức năng thiết lập vùng cách ly đã dự trữ thực phẩm, rau xanh đủ dùng trong 5 - 7 ngày kéo theo sức tiêu thụ tăng. Một bộ phận nhỏ người dân lo ngại hàng hóa khan hiếm nên mua số lượng nhiều hơn thường ngày.
 Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy

Hà Nội đảm bảo không thiếu rau củ quả
Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nhằm đảm bảo hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, rau xanh cho người dân Thủ đô, các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, và cam kết không tăng giá trong thời điểm này. 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đơn vị đã tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu với các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn, trong đó chú trọng tới mặt hàng nông sản, rau xanh, trái cây, thủy hải sản, gia súc, gia cầm.
Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống phân phối trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. “Sở Công Thương phối hợp với Sở GTVT, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện cho xe ô tô chở hàng hóa, nông sản từ các địa phương (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với việc lưu thông liên tỉnh, Bộ GTVT đã có giấy phép luồng xanh, những doanh nghiệp nào cần cấp luồng xanh gửi ngay về Sở Công Thương để đơn vị gửi Bộ GTVT để cấp luồng xanh cho hệ thông phân phối đi liên tỉnh nhanh nhất" - bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ.