Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào ngày 7 và 8/7, dành cho những thí sinh không thuộc diện nằm trong vùng phong tỏa, cách ly, F0, F1, F2. Đợt 2 sẽ được tổ chức vào thời điểm an toàn, dành cho các thí sinh chưa dự thi đợt 1. Với quy mô thí sinh dự thi chiếm tới 1/10 tổng số thí sinh đăng ký dự thi của cả nước, lại diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân cho công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi với quyết tâm bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh và những người tham gia.
Theo đó, thành phố đã kích hoạt 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy do các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm trưởng đoàn kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021; mỗi đoàn có từ 5/6 thành viên và kiểm tra từ 1-3 quận, huyện, thị xã. Các đoàn đã kiểm tra, đôn đốc công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 gắn với công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc, tham gia vào công tác tổ chức; tăng cường kiểm tra, giám sát; quán xuyến mọi việc và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về hiệu quả tổ chức kỳ thi tại điểm thi trên địa bàn được phân công. Một lần nữa, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần bám sát chỉ đạo của thành phố, rà soát lại tất các các khâu tổ chức kỳ thi, các tình huống có thể phát sinh để chủ động xử lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi này.
Cùng với chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục quan tâm cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, thí sinh có tâm thế tốt. Trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh, các địa phương cần chú trọng triển khai bài bản, đúng quy định các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Nhấn mạnh từ nhiều năm nay Hà Nội đã tổ chức kỳ thi này rất nghiêm túc, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu tăng cường quán triệt, triển khai, phổ biến quy chế tới từng thí sinh để ngăn chặn tối đa tiêu cực, vi phạm quy chế. Trưởng các điểm thi, cán bộ làm nhiệm vụ cần bám sát tình hình, linh hoạt, chủ động ứng phó với thực tế.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, ngoài các vật tư y tế theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu mỗi điểm thi có ít nhất 2 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách ly, 5 cán bộ y tế, bố trí đội cấp cứu cơ động tại từng điểm thi, đồng thời, tăng cường giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh… Đoàn Thanh niên thành phố huy động gần 2.800 tình nguyện viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”, chuẩn bị vật phẩm hỗ trợ thí sinh với kinh phí trên 2 tỷ đồng… Cùng với đó, các đơn vị cũng đã hoàn thành các phương án công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các địa điểm tổ chức thi trên địa bàn…
100% các điểm thi hoàn thành công tác diễn tập
Để kỳ thi diễn ra an toàn, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kịch bản cho công tác diễn tập phòng, chống dịch tại 100% các điểm thi; thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn của cơ quan Y tế; ưu tiên tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho Ban in sao đề thi, cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi. Tính đến chiều ngày 4/7, công tác diễn tập phòng chống Covid-19 tại 188 điểm thi đã hoàn thành.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, rút kinh nghiệm từ công tác diễn tập điểm, các điểm thi đã chủ động xây dựng kịch bản đầy đủ, bao quát hơn, lường trước được các tình huống có thể xảy ra để có cách thức xử lý hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn, vừa không gây thiệt thòi cho thí sinh. Việc diễn tập đã giúp cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên tại điểm thi thực hành trực tiếp với nhiệm vụ mình được phân công, kiểm soát tốt tình hình để chủ động ứng phó… Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã được triển khai đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, đồng thời, các kịch bản thi chi tiết, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh và những người tham gia.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có ý nghĩa quan trọng bởi kết quả kỳ thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, mà còn được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tại cuộc làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo thi các quận, huyện, thị xã, ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại Hà Nội triển khai nghiêm túc, chủ động, bài bản, khoa học và đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, đồng thời, bày tỏ sự ấn tượng với việc triển khai các hoạt động hỗ trợ thí sinh và tinh thần chủ động ứng phó với dịch bệnh của các lực lượng thành phố Hà Nội.
Hôm nay 6/7, các điểm thi chính thức làm việc, trong đó, buổi sáng tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ học quy chế thi; buổi chiều tổ chức làm thủ tục dự thi cho thí sinh. Thí sinh chính thức làm bài thi vào ngày 7 và 8/7. Cụ thể, sáng 7/7, thí sinh thi môn Ngữ văn (120 phút); chiều 7/7, thí sinh thi môn Toán (90 phút). Sáng 8/7, thí sinh thi một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (150 phút); Chiều 8/7, thí sinh thi môn Ngoại ngữ (60 phút).