Rác thải chia làm 4 loại
Thực hiện yêu cầu của Bộ TN&MT tại văn bản số 1786/BTNMT-KSONMT, ngày 22/3/2024, về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt… hiện nay, TP Hà Nội đã triển khai các mô hình thí điểm tại địa bàn 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm.
Theo kế hoạch, sau thời gian thí điểm, các đơn vị sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và tổng hợp vào Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trình UBND TP phê duyệt để triển khai nhân rộng.
Trong đó, rác thải rắn sinh hoạt sẽ được phân ra thành 4 loại gồm: chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại…); chất thải cồng kềnh (là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế, các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây…); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh…); rác thải còn lại (chất thải thực phẩm và rác thải khác).
Tại quận Hoàn Kiếm - địa bàn có 18/18 phường tổ chức thí điểm chương trình. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho biết, để chương trình phân loại rác sinh hoạt đem lại hiệu quả, UBND quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và Nhân dân trên địa bàn về công tác phân loại rác thải tại nguồn, phong trào chống rác thải nhựa.
Đồng thời chấp hành nghiêm túc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn… nhằm lan tỏa thông điệp vì môi trường “Hành động nhỏ, hiệu quả lớn”.
Hà Nội dự kiến tổ chức thí điểm chương trình phân loại rác thải sinh hoạt rắn tại 24 phường của 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm. Trong đó, quận Hoàn Kiếm thí điểm tại 18/18 phường; quận Ba Đình thí điểm tại 3 phường Nguyễn Trung Trực, Thành Công, Giảng Võ; quận Đống Đa thí điểm tại phường Nam Đồng; quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; quận Nam Từ Liêm thí điểm tại phường Cầu Diễn.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, để chương trình thí điểm đi vào thực chất, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nhận diện các loại rác thải.
Đồng thời, công bố rộng rãi về thời gian, địa điểm tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… để người dân biết, thực hiện theo đúng các quy định đề ra.
Cụ thể, theo lãnh đạo quận Đống Đa, đối với rác thải có khả năng tái chế ở hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ như giấy thải, sách vở bìa, cốc nhựa, vỏ chai… UBND phường Nam Đồng - đơn vị tổ chức thí điểm đã bố trí điểm tập kết để thu theo thời gian cố định mỗi tuần hai lần.
Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế, sofa… UBND quận đã yêu cầu UBND phường Nam Đồng bố trí điểm tập kết để người dân mang chất thải đến tập kết, tránh tình trạng đổ thải bừa bãi như hiện nay gây mất mỹ quan đô thị và khó khăn cho đơn vị duy trì…
“UBND quận đã yêu cầu UBND phường Nam Đồng bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giữ vệ sinh môi trường theo các phương án đã được duyệt. Tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá xét duyệt danh hiệu gia đình văn hóa” - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn nhấn mạnh.
Sớm tháo gỡ những vướng mắc
Theo ghi nhận của phóng viên, với sự vào cuộc quyết liệt của TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan, đặc biệt là lực lượng chức năng các phường, quận, tổ chức thí điểm chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn… đến nay, chương trình đã sẵn sàng để tổ chức thí điểm. Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều những băn khoăn, vướng mắc phát sinh từ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt rắn.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một công ty vệ sinh môi trường trên địa bàn TP cho hay, theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành chất thải thực phẩm, chất thải tái chế, chất thải còn lại (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải còn lại khác) nhưng hiện nay, TP Hà Nội chưa có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải hữu cơ và điểm xử lý chất thải cồng kềnh.
Mặt khác, theo quy định, chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Song, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các loại phương tiện, thiết bị trong trường hợp này. Ngoài ra, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển.
Tuy nhiên, các đơn vị trúng thầu duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đều không có chức năng xử lý chất thải nguy hại được Bộ TN&MT cấp phép…
Được biết, liên quan đến vấn đề này, ngày 13/5/2024, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1454/UBND-TNMT gửi Bộ TN&MT về việc hướng dẫn thực hiện các nội dung quản lý theo Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.
Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ TN&MT ban hành quy trình, định mức kinh tế duy trì vệ sinh môi trường và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại để làm cơ sở cho UBND TP xây dựng và ban hành Quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá áp dụng trên địa bàn TP.
Cùng với đó, có hướng dẫn cụ thể đối với việc lưu trữ, thu gom, vận chuyển và việc áp dụng đơn giá xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân sau phân loại.
Ngoài ra quy định phương án lưu trữ, thu gom, vận chuyển riêng so với các loại chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để thuận lợi cho quá trình triển khai… trước khi nhân rộng trên toàn địa bàn TP.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.