Ngàn năm gìn giữ một phong tục
Đến hẹn lại lên, những ngày này, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội truyền thống đền Hát Môn. Giống như mọi năm, lễ rước bánh trôi - nghi lễ hết sức quan trọng và đặc trưng nhất của lễ hội truyền thống đền Hát Môn, sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của đông đảo người dân.
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích đền Hát Môn Nguyễn Quốc Thắng, lễ rước bánh trôi trong lễ hội năm nay dự kiến có sự tham gia của nhân dân 11 thôn, khu dân cư. Những đĩa bánh trôi dâng lên Hai Bà Trưng được làm theo quy trình nghiêm ngặt. Gia đình được chọn làm bánh trôi cũng phải là những gia đình hoà thuận, không tang chế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác.
“Một trong những tục lệ đặc biệt mà người dân xã Hát Môn duy trì từ hàng ngàn năm là trước khi dâng bánh trôi lên Hai Bà Trưng vào ngày giỗ (6/3 âm lịch), thì nhân dân xã Hát Môn dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng đều không ăn bánh trôi. Tục lệ đó được truyền từ đời này sang đời khác như một nét văn hoá đặc sắc của người dân địa phương, thể hiện sự tôn kính đối với Hai Bà Trưng” - ông Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ thêm.
Gần 2.000 năm đã trôi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội truyền thống đền Hát Môn vẫn giữ được sức sống mãnh liệt. Đối với người dân xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung, bánh trôi dâng Hai Bà Trưng là một lễ vật độc đáo. Nó không đơn giản chỉ là thứ bánh thông thường mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hoá, mang đậm yếu tố tâm linh.
Lễ vật bánh trôi của người dân xã Hát Môn được cúng vào 3 kỳ lễ hội trong năm, trong đó đại tiệc bánh trôi là ngày hôm nay (6/3 âm lịch), cũng là ngày giỗ của Hai Bà Trưng. Đây cũng là ngày mà toàn thể nhân dân xã Hát Môn tưởng nhớ đến công lao, nghĩa khí của hai vị nữ anh hùng dân tộc, với ý chí tự lực, tự cường đã đứng lên tụ quân, dựng cờ khởi nghĩa…
Sẵn sàng cho lễ hội lớn nhất trong năm
Những ngày qua, công tác chuẩn bị cho lễ hội truyền thống đền Hát Môn được UBND xã Hát Môn và các phòng ban, đơn vị liên quan rốt ráo chuẩn bị. Phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường đã được xây dựng. Ban tổ chức lễ hội sẽ quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ tại lễ hội, quyết tâm không để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm, trộm cắp, mê tín dị đoan, bói toán, cờ bạc…
Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải cho biết, đến nay kịch bản chi tiết lễ rước bánh trôi và lễ dâng hương tại lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã cơ bản hoàn tất. Trong thời gian diễn ra lễ hội, đơn vị sẽ phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức chương trình văn nghệ và hội thao, các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, kéo co...
“Chúng tôi cũng đang tích cực vận động các gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn xã Hát Môn trang trí hoa, cây cảnh, đèn lồng, đèn chiếu sáng, vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, cùng với xã lên phương án bố trí địa điểm để xe của du khách và nhân dân; sắp xếp các gian hàng dịch vụ đảm bảo mỹ quan, an toàn, ngăn nắp…” - ông Lê Tiến Hải thông tin thêm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, lễ hội truyền thống đền Hát Môn hàng năm là sự kiện quan trọng, khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Qua đó, giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước nhất là đối với thế hệ trẻ.
Lễ hội cũng nhằm giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân huyện Phúc Thọ, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Thông qua các hoạt động lễ hội, huyện cũng mong muốn thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói chung.
Lễ hội truyền thống đền Hát Môn năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày: 23, 24, 25/4/2023 (tức mồng 4, 5, 6 tháng 3 năm Quý Mão). Trong ngày chính hội 6/3 âm lịch, sẽ diễn ra lễ rước lễ làng, tế chính tiệc; lễ rước bánh trôi và lễ dâng hương kỷ niệm 1980 năm ngày Giỗ Hai Bà Trưng (43-2023).